Bảo hộ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp

Bảo hộ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Để bảo hộ bí mật kinh doanh đối với các doanh nghiệp, cần có những biện pháp có thể áp dụng trong việc bảo hộ bí mật kinh doanh cho doanh nghiệp mình.

Căn cứ pháp lý: Luật Sở hữu trí tuệ 2005
Tại khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định “Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh”.

1. Bí mật kinh doanh liên quan đến các loại thông tin khác nhau:
– Thông tin thương mại: danh sách khách hàng, hệ thống nhà phân phối, kế hoạch kinh doanh, chiến lược quảng cáo…
– Thông tin về tài chính như: cơ cấu giá..
– Bí quyết kỹ thuật và khoa học: công thức sản xuất sản phẩm, cấu tạo kỹ thuật của sản phẩm, bản thiết kế…

2. Điều kiện để bảo hộ bí mật kinh doanh:
– Khi sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữa bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;
– Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
– được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ như cất giữ, bảo mật, quy định trách nhiệm bảo mật cho người nắm giữ… và không dễ dàng tiếp cận được.

3. Các đối tượng không được bảo hộ là bí mật kinh doanh:
– Bí mật về quản lý Nhà nước;
– Bí mật về quốc phòng, an ninh;
– Bí mật về nhân thân;
– Thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.

4. Đặc điểm của bí mật kinh doanh:

– Tính thông tin của bí mật
Thông tin của bí mật kinh doanh có thể tồn tại hoặc được thể hiện dưới dạng vật chất hữu hình, cụ thể như tài liệu, giấy tờ chứa đựng thông tin, mô hình, mẫu vật… Chức năng thông tin của bí mật kinh doanh là phải mang đến cho những người có khả năng tiếp cận nó những nhận thức, những sự hiểu biết nhất định về một sự vật, một hiện tượng nào đó trong thế giới khách quan. Bí mật kinh doanh, một mặt là kết quả của hoạt động nhận thức, trí tuệ của con người, được thể hiện, tái tạo qua các vật hữu hình trên. Mặt khác, con người muốn biết, muốn nhận thức được được bí mật kinh doanh thì phải thông qua hoạt động nhận thức, trí tuệ. Vì thế, bí mật kinh doanh chính là tài sản trí tuệ của người kinh doanh.

– Tính bí mật của thông tin
Nếu một loại thông tin mà không có tính bí mật mặc dù nó có thể có chứa chức năng thông tin, có giá trị đối với hoạt động kinh doanh thì cũng không được coi là bí mật kinh doanh. Tức là phạm vi những người biết đến thông tin đó rất hạn chế chỉ có những người được chủ sở hữu thực sự tin tưởng mới được phép sử dụng, quản lý thông tin. Việc chủ sở hữu bộc lộ thông tin bí mật cho người khác phải dựa trên cơ sở các cam kết bảo mật. Hơn nữa, những người muốn tiếp cận nó cũng khó có thể biết được qua các phương tiện thông tin, sách, báo, tạp chí, những dụng cụ hay trang thiết bị phục vụ kinh doanh như máy tính, báo cáo, sổ sách, trang web của doanh nghiệp….

– Khả năng sử dụng thông tin
Thông tin được coi là bí mật kinh doanh không những mang đặc điểm về giá trị, về công sức thu thập của chủ sở hữu mà còn phải có tính năng sử dụng thực tế. Khi được đưa vào sản xuất kinh doanh phải phát huy hết những lợi thế mà nó có thể mang lại, phải tạo ra sản phẩm về mặt vật chất là những sản phẩm hoặc dịch vụ là đối tượng trực tiếp trong quá trình sản xuất. Nếu thông tin bí mật không thể hiện được giá trị hoặc không còn mang lại lợi thế cho người nắm giữ thì sẽ không được bảo hộ với tư cách bí mật kinh doanh.

– Tính giá trị của bí mật kinh doanh
Bản chất của hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lời, do đó thông tin bí mật được coi là bí mật kinh doanh phải có tính giá trị. Trong quá trình hoạt động, các chủ thể kinh doanh phải thu thập, lưu trữ rất nhiều loại thông tin khác nhau nhằm phục vụ có hiệu quả công việc kinh doanh của họ nhưng chỉ những thông tin giá trị mới được họ giữ lại.

Thông tin được thể hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau. Chúng có thể biểu hiện ở khoản tiền, số vốn mà người có được thông tin đã đầu tư để tạo ra hoặc có được thông tin đó. Nó cũng có thể biểu hiện ở mức độ đầu tư thời gian, công sức để tạo ra hoặc thu thập thông tin đó. Ngoài ra, giá trị thông tin còn được biểu hiện trên những khoản lợi mà chủ sở hữu thu được khi biết và sử dụng thông tin. Đôi khi, đó còn thể hiện ở sự mất mát thiệt hại hay khó khăn mà chủ sở hữu phải gánh chịu nếu thông tin bị tiết lộ, bị người khác biết hoặc sử dụng. Quan trọng hơn là khi được đưa vào sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thì thông tin đó sẽ mang lại cho chủ sở hữu lợi thế hơn hẳn so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng nó.

» Thủ tục đăng ký sáng chế

» Luật sư giải quyết tranh chấp Sở hữu trí tuệ