Họ hàng cách mấy đời mới được kết hôn?

Tôi và một người anh họ yêu nhau và chúng tôi đang có ý định kết hôn. Nhưng vì cụ nội tôi và cụ ngoại anh là anh em ruột nên một số người khác trong họ ra sức ngăn cản vì cho rằng chúng tôi có cùng dòng họ, cùng huyết thống. Xin hỏi trường hợp của chúng tôi có bị luật pháp cấm kết hôn không? Lê Thu Hường (Ninh Bình)

Những người cùng quan hệ huyết thống ở đời thứ 4 trở đi có thể kết hôn với nhau

Trả lời: Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nghiêm cấm hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng trong những trường hợp: Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; những người có họ trong phạm vi 3 đời; cha, mẹ nuôi với con nuôi; người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Người có họ trong phạm vi 3 đời bị cấm kết hôn là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, cô, cậu, dì là đời thứ ba.

Họ hàng cách mấy đời mới được kết hôn?Luật sư Nguyễn Thị Thu  Đoàn Luật sư Hà Nội

Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định về các điều kiện kết hôn là: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; không bị mất năng lực hành vi dân sự; việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định của Luật này, chẳng hạn như: Kết hôn giả tạo, Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn; Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi…

Nếu không vi phạm những quy định tại Điều 8 nói trên, bạn và người yêu được tính là đời thứ 4, không cùng nằm trong phạm vi 3 đời theo Luật Hôn nhân và gia đình quy định nên không thuộc trường hợp cấm kết hôn. Các bạn có quyền được đăng ký kết hôn mà không bị coi là vi phạm pháp luật.

Theo anninhthudo.vn

» Tư vấn về điều kiện kết hôn

» Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình