Không thể xem thường IR

Vài năm trở lại đây, hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR- Investor Relations) đã được nhiều doanh nghiệp niêm yết quan tâm hơn. Ngoài nghĩa vụ công bố thông tin hay tổ chức các đại hội đồng cổ đông, thực tế cho thấy, công việc của một người làm IR không chỉ dừng lại ở đó, đặc biệt đối với lĩnh vực bất động sản.

Nỗ lực duy trì hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) là cách để doanh nghiệp xây dựng hình ảnh minh bạch trước công chúng.

Nỗ lực duy trì hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) là cách để doanh nghiệp xây dựng hình ảnh minh bạch trước công chúng. Cách đây vài năm, nhiều doanh nghiệp không xem trọng công tác IR, chỉ đơn thuần thực hiện các quy định pháp luật về công bố thông tin, thiếu sự tương tác đa chiều với nhà đầu tư, chuyên viên phân tích, báo chí.

“Đổi vị” cho cổ đông và nhà đầu tư

Phần lớn doanh nghiệp không tổ chức bộ phận IR riêng; nhân viên phụ trách IR không có nền tảng kiến thức về thị trường tài chính; mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nhà đầu tư còn khá lỏng lẻo. Tuy nhiên, theo xu hướng phát triển chung của thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cũng có những đòi hỏi việc công bố thông tin của doanh nghiệp phải minh bạch và kịp thời hơn.

Khi mới niêm yết được 1 năm, giá cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) rất ít được nhà đầu tư quan tâm, thể hiện qua thanh khoản èo uột. Trong khi đó, công ty này tiếp tục thu hút được các khoản đầu tư từ các định chế tài chính như IFC, ASPL (Quỹ đầu tư của Tập đoàn bất động sản hàng đầu Malaysia – Ireka), Công ty Nam Việt (100% vốn của một ngân hàng đầu tư hàng đầu trên thế giới) và Quỹ Vietnam Azalea Fund.

NLG đã tìm đến với Công ty cổ phần Chứng khoán HSC để tìm tư vấn về hoạt động IR. Phân tích các nguyên nhân khiến giá và thanh khoản cổ phiếu NLG thấp, HSC đã đặt ra hàng loạt yêu cầu cơ bản như cải thiện các chỉ số tài chính, phân kỳ đầu tư để đảm bảo hạch toán lợi nhuận hàng quý không để lỗ liên tiếp 3 quý đầu, lãi bù vào quý cuối năm như trước gây sốc cho thị trường, thực hiện các cuộc tiếp xúc gặp gỡ định kỳ nhà đầu tư.

NLG đã kiên trì cùng lúc thực hiện các mục tiêu này. Việc cải thiện các chỉ số tài chính đòi hỏi tái cấu trúc tập đoàń, tăng sở hữu ở các công ty thành viên, thực hiện hoán đổi cổ phiếu công ty con để tăng lượng cổ phần tự do chuyển nhượng trên thị trường. NLG đã định kỳ hàng quý gặp gỡ các chuyên gia phân tích, công ty chứng khoán và báo chí để cập nhật thông tin hàng quý.

Từ đó, NLG có những thay đổi trong mắt nhà đầu tư, trở thành doanh nghiệp điển hình trong thực hiện IR trên thị trường. Phần thưởng lớn nhất với NLG chính là sự tin tưởng của các đối tác, thu hút được vốn đầu tư từ các đối tác mới, đặc biệt là 2 doanh nghiệp Nhật Bản với việc triển khai các dự án bất động sản lớn tại TP.HCM.

Hoàng Huy Group (TCH) cũng là doanh nghiệp quan tâm tới công tác IR ngay từ đầu. Ngoài việc cải thiện, nâng cao các chỉ sổ tài chính đồng thời công bố thường xuyên và liên tục các thông tin của mình, TCH cũng khá sáng tạo trong công tác IR.

Chẳng hạn, cách đây không lâu, TCH đã tổ chức buổi “Gặp gỡ, đối thoại với nhà đầu tư” tại TP.HCM, trong đó kết hợp cả việc mời nhà đầu tư đối thoại trực tiếp tại hội trường 200 người, tổ chức trình chiếu livestream qua hệ thống online với 20 ngàn người cùng theo dõi. Lần đầu tiên một doanh nghiệp niêm yết mới lên sàn đối thoại mở, trực tiếp nói về cơ hội, thách thức của doanh nghiệp với nhà đầu tư, thậm chí còn livestream công khai.

Ông Đỗ Hữu Hậu – Phó Tổng Giám đốc thường trực Hoàng Huy Group nói: “Việc đối thoại trực tiếp với nhà đầu tư tại hội trường cũng như qua các kênh trực tuyến là thành ý của TCH nhằm hướng tới các nhà đầu tư không thể tham dự vẫn có thể gửi những câu hỏi tới Ban Lãnh đạo công ty để được giải đáp. Thông qua sự kiện, chúng tôi mong muốn xây dựng một cầu nối hiệu quả giữa nhà đầu tư với doanh nghiệp. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ những thông tin cần thiết để nhà đầu tư có thể nắm bắt đầy đủ và hiểu đúng về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, định hướng kế hoạch phát triển của công ty”.

Qua rồi thời “thụ động”

Theo đánh giá của ông Đinh Ngọc Sơn, Giám đốc Tư vấn quản trị doanh nghiệp CTCP Chứng khoán FPT, quan hệ nhà đầu tư (IR) là công tác quản trị chiến lược kết hợp giữa tài chính, truyền thông, marketing, tạo nên mối quan hệ hai chiều hiệu quả giữa doanh nghiệp với cộng đồng tài chính và những bên có quyền lợi liên quan, nhằm góp phần định giá đúng giá trị chứng khoán của doanh nghiệp (theo Học viện Quan hệ nhà đầu tư quốc gia Hoa Kỳ – NIRI).

Trọng tâm của IR là hoạt động trao đổi thông tin hai chiều giữa doanh nghiệp với cổ đông, nhà đầu tư, các nhà phân tích…, nhằm thỏa mãn cung – cầu về thông tin, mang lại lợi ích cho cả hai bên. Về phần cung, đảm bảo cung cấp thông tin thường xuyên, có giá trị, thông tin đúng mục đích, đúng đối tượng thông qua các thông báo, trang thông tin điện tử, báo cáo, tổ chức các buổi họp (đại hội đồng cổ đông, họp báo, hội thảo, gặp gỡ nhà đầu tư…). Về phần cầu, đảm bảo doanh nghiệp hiểu được nhu cầu thông tin của cộng đồng đầu tư, hiểu được thị trường đang định giá công ty thế nào, dựa trên những thông tin gì và tại sao lại định giá như vậy.

Luật sư cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành, công ty cổ phần đại chúng không bắt buộc phải có bộ phận IR, tuy nhiên, theo thông lệ quản trị công ty tốt, doanh nghiệp cần lập một bộ phận chuyên trách, độc lập phụ trách hoạt động IR. Bộ phận này chịu sự quản lý trực tiếp của CEO (giám đốc điều hành) hoặc CFO (giám đốc tài chính). Các thành viên trong bộ phận này phải có kiến thức, kinh nghiệm về tài chính, thị trường vốn; hiểu biết thấu đáo về hoạt động của công ty, có mối liên hệ chặt chẽ với các vị trí quản lý, điều hành cấp cao của công ty…

Ở trường hợp doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn (vốn điều lệ trên 2.000 tỷ đồng), mức độ đại chúng khá cao do đáp ứng đủ điều kiện niêm yết mặc dù nhà nước vẫn sở hữu chi phối. Do đó, doanh nghiệp cần có nhân viên chuyên trách hoặc bộ phận IR độc lập để hỗ trợ ban lãnh đạo trong công tác quan hệ nhà đầu tư đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các cổ đông (cổ đông nhà nước và các cổ đông khác).

Việc lựa chọn giữa việc có nhân viên chuyên trách hay bộ phận IR độc lập, phụ thuộc vào mức độ phức tạp trong hoạt động của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có nhiều bên có quyền lợi liên quan, nhiều thông tin công bố… thì nên lập bộ phận IR độc lập để chuyên nghiệp hóa hoạt động IR, hỗ trợ nhà đầu tư tốt hơn.

Ghi nhận từ thị trường, những cải thiện tích cực trong hoạt động IR tại các doanh nghiệp Việt là điều đáng ghi nhận, tuy vậy, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện tốt công tác này vẫn còn khiêm tốn, đặc biệt với nhóm doanh nghiệp bất động sản. Lấy lý do tính chất đặc thù của ngành cũng như sản phẩm, nhiều doanh nghiệp “cố tình” vi phạm công bố thông tin, không công khai minh bạch thông tin với cổ đông… Phổ biến nhất là các doanh nghiệp không thông tin định kỳ mà chỉ khi cần huy động vốn; IPO, niêm yết mới… thì mới bắt tay làm IR.

Một vấn đề khá nổi cộm ở hoạt động IR chính là chỉ công bố thông tin tích cực, “giấu nhẹm” thông tin tiêu cực. Điều này có thể giúp giải quyết trong một số trường hợp, nhưng khi khủng hoảng lan rộng, do thiếu quan tâm đến công tác IR ngay từ đầu nên doanh nghiệp mất thời gian, tốn kinh phí và hiệu quả không được cao.

Theo ông Hà, doanh nghiệp nên chủ động chia sẻ những rủi ro, thách thức sắp đương đầu, khiến lợi nhuận có thể sụt giảm và đưa ra những giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực. Có như vậy, cổ đông mới có cái nhìn đầy đủ và tin tưởng hơn ở doanh nghiệp.

Theo Lạc Nhật/Reatimes

» Tư vấn pháp luật tài chính và ngân hàng