Pháp điển hoá với hệ thống pháp luật Việt Nam

Pháp điển hoá và những lợi ích đối với hệ thống pháp luật Việt Nam
Mong muốn có một văn bản pháp luật duy nhất trong một lĩnh vực nhất định dưới hình thức một bộ luật là mong muốn của tất cả mọi người để có thể tra cứu, trích dẫn và tìm kiếm các quy định pháp luật một cách dễ dàng. Pháp điển hoá có thể giúp cho mong muốn đó trở thành hiện thực

1. Pháp điển hoá là gì?

Vốn là một thuật ngữ quen thuộc trong khoa học pháp lý, pháp điển oá được hiểu theo nghĩa là việc tập hợp tổ chức hệ thống pháp luật thành các chủ đề khác nhau. Tức là tập hợp tất cả các quy định đang còn hiệu lực có liên quan đến cùng một chủ đề nhưng còn nằm tản mạn trong nhiều văn bản khác nhau để sắp xếp xây dựng thành một bộ pháp điển.

Từ một thuật ngữ trong khoa học pháp lý, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 đã lần đầu tiên đề cập đến vấn đề pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật tại khoản 2 Điều 93 “Quy phạm pháp luật phải được rà soát, tập hợp, sắp xếp thành bộ pháp điển theo từng chủ đề”

Trong khi chúng ta mới lần đầu đề cập đến pháp điển hoá hệ thống quy phạm pháp luật thì trên thế giới, pháp điển hoá đã được thực hiện từ rất lâu đời ở Pháp, Mỹ … và rất thành công. Bộ pháp điển hoá của Mỹ gồm 50 nội dung và lĩnh vực chính bao gồm tất cả các quy phạm pháp luật có trong các quy định pháp luật riêng rẽ. Vậy tại sao pháp điển hoá lại cần thiết? Những lợi ích có thể trông thấy rõ ràng từ quá trình này như thế nào?

2. Pháp điển hoá và những lợi ích rõ ràng?

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam cho thấy một thực tế rõ ràng là còn tản mạn và rất khó khăn cho công tác tra cứu và áp dụng, thậm chí rất khó biết được quy phạm pháp luật đó còn có hiệu lực hay không. Việc thường xuyên sửa đổi các quy pháp pháp luật còn làm cho các quy phạm pháp luật đơn lẻ rất khó áp dụng và tra cứu. Chưa kể đến những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy phạm…

Lợi ích rõ ràng của pháp điển hoá chính là giúp khắc phục hạn chế này. Việc đưa tất cả các quy phạm có liên quan vao một chủ đề của bộ pháp điển sẽ tăng cường tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Mọi điểm mâu thuẫn, chồng chéo và cả những kẽ hở của pháp luật cũng sớm được xác định, giảm bớt và loại bỏ một cách liên tục.

Bên cạnh đó, việc cập nhật bộ pháp điển hoá sẽ giúp cho công tác xây dựng pháp luật trở nên dễ dàng hơn. Bởi vì không còn cần phải sửa đổi ban hành nhiều quy định riêng rẽ trong các bộ luật mà chỉ cần bổ sung, huỷ bỏ hoặc sửa đổi các điều khoản riêng biệt của một bộ pháp điển hoá.

Đặc biệt, bằng cách sắp xếp các quy định của pháp luật theo chủ đề, từ người dân cho đến những người làm công tác pháp luật cho đến cán bộ chính phủ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc tra cứu, tìm kiếm và áp dụng các quy định của pháp luật. Tính minh bạch hoá của hệ thống pháp luật được đảm bảo một cách rõ ràng.

Những lợi ích từ việc thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật có thể được trông thấy rõ. Việc tiến hành sớm công tác này sẽ mang đến một hệ thống pháp luật rõ ràng minh bạch, thuận tiện khi áp dụng. Đồng thời sau khi xây dựng xong một bộ pháp điển thống nhất, việc thường xuyên, liên tục cập nhất vào hệ thống sẽ giúp cho bộ pháp điển có giá trị cao, người dân ngày càng tin tưởng và hệ thống pháp luật và dễ dàng hơn trong việc tuân thủ cũng như thực hiện pháp luật

Nguồn “Trang thông tin pháp luật công thương”

» Văn bản pháp luật