Quy định về tem phụ đối với hàng hóa nhập khẩu

Quy định về tem phụ đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Tem phụ là một loại tem nhãn được dán chắc chắn trên hàng hóa hoặc bao bì sản phẩm để thể hiện các thông tin cần thiết về hàng hóa bằng tiếng Việt đính kèm theo nhãn nguyên gốc bằng tiếng nước ngoài trước khi đưa ra bán hoặc lưu thông trên thị trường. Tem phụ có chức năng giúp cơ quan hải quan, công an và người tiêu dùng kiểm soát, phân biệt được với hàng hóa nhập lậu.

1. Cơ sở pháp lý: 

– Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa

Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa có quy định như sau:
“3. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.”

Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định về nội dung của nhãn phụ như sau:
“4. Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa.”

Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa được quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP như sau:
“1. Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau:
a) Tên hàng hóa;
b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
c) Xuất xứ hàng hóa;
d) Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I của Nghị định này và văn bản quy phạm pháp luật liên quan.”

Trên nhãn phụ phải chứa đựng đầy đủ các thông tin sau đây:
– Hướng dẫn sử dụng
– Thành phần công thức đầy đủ
– Tên nước sản xuất
– Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường
– Định lượng thể hiện bằng khối lượng tịnh hoặc thể tích
– Số lô sản xuất
– Ngày sản xuất hoặc hạn dùng phải được thể hiện một cách rõ ràng
– Lưu ý về an toàn khi sử dụng (nếu có)

» Thủ tục đăng ký mã số mã vạch