Tư vấn giành lại quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi

Giành lại quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi theo pháp luật hiện nay.
Cho em hỏi. Em muốn ly hôn đơn phương thì thời gian ra Tòa án xét xử là bao lâu kể từ ngày em nộp đơn khởi kiện? Và trong thời gian nộp đơn chờ đợi Tòa án, con em bị bên nội bắt đi không cho em gặp thì có biện pháp nào cho em để đòi lại con không? Con em hiện giờ được gần 21 tháng tuổi. Em cảm ơn.

Chào bạn! Trước tiên, xin trân trọng cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn chúng tôi xin tư vấn như sau:

A. Cơ sở pháp lý
+ Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015
+ Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014

B. Tư vấn giành lại quyền nuôi con:
I. Thời gian ly hôn đơn phương
Khoản 1, 4 Điều 203 BLTTDS năm 2015 về thời gian chuẩn bị xét xử quy định như sau:

“Điều 203. Thời hạn chuẩn bị xét xử

1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau:

a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;

b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật này thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này và không quá 01 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

4. Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.”

Theo quy định trên, thời gian giải quyết vụ việc Ly hôn đơn phương sẽ từ 4 đến 6 tháng tuy nhiên có thể lâu hơn đến 8 tháng nếu ở trong trường hợp gia hạn thời gian chuẩn bị xét xử.

II. Giành lại quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi

Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định như sau:

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Theo quy định trên, sau khi ly hôn cha mẹ vẫn có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, giáo dục con cái khi con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi bản thân. Khi giải quyết vụ việc ly hôn, Quyền nuôi con sau khi ly hôn cũng là một vấn đề thường xuyên xảy ra tranh chấp. Quyền nuôi con sau khi ly hôn cha mẹ có thể tự thỏa thuận tuy nhiên nếu cha mẹ không thể tự thỏa thuận thì có thể nhờ Tòa án Giải quyết. Tòa án sẽ giải quyết tranh chấp quyền nuôi con dựa vào quyền lợi về mọi mặt của con. Nếu con đủ 07 tuổi trở lên thì Tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của con. Nếu con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao trực tiếp cho mẹ nuôi trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện kinh tế hoặc đã có thỏa thuận khác.

Áp dụng vào trường hợp của bạn, khi ly hôn quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi thuộc về bạn. Trường hợp bạn không đủ điều kiện nuôi con hoặc có thỏa thuận với cha đứa bé thì quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi sẽ được chuyển giao cho cha của đứa bé. Tuy nhiên hiện tại hai vợ chồng vẫn chưa giải quyết vụ việc ly hôn do đó quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi chưa được quy định dành cho ai, hai bạn vẫn là vợ chồng hợp pháp và có quyền ngang nhau trong việc chăm sóc con. Cùng với đó pháp luật cũng chưa có những biện pháp can thiệp trong trường hợp của bạn dù bạn có tới các cơ quan có thẩm quyền thì họ cũng chỉ có những biện pháp khuyên can giữa các bên. Tuy nhiên bạn có thể áp dụng Điều 53 của Nghị định 167 về xử phạt hành chính như sau:

“Điều 53. Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.”

Theo quy định trên, bạn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc ngăn cản quyền thăm nuôi của bạn với con cái để trong thời gian này bạn có thể ở cạnh con và chờ Tòa án giải quyết vụ việc giành lại quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi của bạn.

» Trình tự, thủ tục ly hôn đơn phương

Tư vấn giành lại quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi: