Tư vấn giành quyền nuôi con khi ly hôn

Tư vấn giành quyền nuôi con khi ly hôn.
Xin chào! Tôi sinh tên Vĩnh Cửu năm 1981 hiện đang sống tại Chương Mỹ, Hà Nội. Tôi lấy vợ và có 2 con trai sinh năm 2004 và 2009. Thật sự tôi không muốn ly hôn chút nào vì tôi rất thương con. Tôi không muốn vì bất đồng của 2 vợ chồng mà con tôi phải buồn. Nhưng mọi cố gắng của tôi đã không thể nữa. Xinh thưa, hiện tại tôi đang sống cùng 2 con ở Hà Nội còn vợ tôi nay bỏ đi đâu tôi không biết. Vợ tôi đã có đơn xin ly hôn. Và nếu tôi muốn giành quyền nuôi con có được không? Cảm ơn.

Cơ sở pháp lý
+ Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

Tư vấn giành quyền nuôi con khi ly hôn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi nội dung bạn hỏi chúng tôi tư vấn như sau:

Chúng tôi rất lấy làm tiếc về chuyện hôn nhân của gia đình bạn. Ly hôn là điều không ai mong muốn cả. Nhưng nhiều khi nó lại là điều không thể tránh khỏi và chúng ta chỉ đang làm những điều tốt nhất có thể.

Về câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được tư vấn cụ thể như sau:

Thứ nhất, về địa điểm tiến hành ly hôn. Nếu hai vợ chồng bạn thuận tình ly hôn thì có thể lựa chọn địa điểm là Tòa án nơi vợ hoặc chồng đang cư trú, ở đây có thể là Tòa án nhân dân tại nơi cư trú một trong hai người. Còn nếu trong trường hợp vợ bạn tiến hành đơn phương ly hôn thì cần phải nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân nơi vợ bạn đang cư trú là tại Chương Mỹ, Hà Nội.

Thứ hai, nếu bạn không đồng ý kí vào đơn ly hôn thì Tòa án vẫn có thể xem xét giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên nếu vợ bạn có thể chứng minh được rằng đời sống hôn nhân của mình đang trong tình trạng “mâu thuẫn trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”.

Thứ ba, về quyền nuôi con. Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Từ những quy định trên, có thể rút ra một số điều:

– Con bạn đã hơn 3 tuổi, vì vậy sẽ không còn được mặc định giao cho mẹ trực tiếp nuôi. Vậy nên cơ hội được nuôi con của bạn cũng được tăng thêm.

– Khi xem xét ai sẽ là người có quyền nuôi con, Tòa án sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau với mục đích tìm được người có thể đáp ứng tối đa yêu cầu cho sự phát triển của đứa trẻ. Nhìn chung Tòa án sẽ dựa trên 3 yêu tố sau:

+ Điều kiện về vật chất bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập… các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;

+ Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn … của cha mẹ.

+ Nguyện vọng của con: Con mong muốn được ở với ai (chỉ áp dụng với con từ đủ 7 tuổi trở lên).

Nếu bạn thực sự yêu thương con mình và có đủ khả năng chứng minh trước tòa rằng mình có thể đem lại cho con mình cuộc sống tốt đẹp hơn thì việc bạn giành được quyền nuôi con là hoàn toàn có thể.

– Bên cạnh đó, Điều 82 có quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Theo đó:

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Nếu vợ hoặc chồng không được trực tiếp nuôi con thì vẫn có quyền được cấp dưỡng và thăm nom con cái. Không ai có thể cản trở quyền này. Do vậy chúng tôi khuyên bạn nên cân nhắc. Nếu bạn thực sự có khả năng để nuôi con một cách đầy đủ nhất, điều đó là tốt. Nhưng nếu bạn thấy vợ bạn là người có thể chăm lo tốt hơn cho con mình thì bạn có thể cân nhắc vấn đề này. Vì qua thông tin bạn đưa ra, có thể việc ly hôn này xuất phát từ chuyện riêng của vợ chồng và hai vợ chồng bạn đều yêu thương con mình. Vậy nên chúng tôi mong bạn và vợ bạn có thể cân nhắc kĩ lưỡng vấn đề này vì tương lai con em bạn.

» Luật sư bảo vệ trong vụ án ly hôn

» Tư vấn chia tài sản khi ly hôn

Tư vấn giành quyền nuôi con khi ly hôn: