Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
Thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa tại Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Đề án Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngày 20/01/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 88/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 (Đề án). Đề án nhằm tạo chuyển biến và hiệu quả trong hoạt động quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; thúc đẩy sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình và chương trình phát sóng có giá trị phục vụ công chúng, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Theo mục tiêu cụ thể Đề án đặt ra đến năm 2020, hệ thống các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan từ Trung ương đến địa phương được củng cố, kiện toàn, đồng bộ và có sự phối hợp chặt chẽ; trong đó tập trung vào các tỉnh, thành phố trọng điểm hình thành các ngành công nghiệp văn hóa; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 đối với hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan; 70% cán bộ quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan từ trung ương đến địa phương được tham gia chương trình tập huấn nghiệp vụ; Khoảng 500 lượt người là các chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan được tham dự các lớp tập huấn về quyền tác giả, quyền liên quan mỗi năm.
Đề án cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cán bộ kiêm nhiệm hoặc chuyên trách quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan; 100% cán bộ quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan từ trung ương đến địa phương được tham gia chương trình tập huấn nghiệp vụ; Khoảng 700 lượt người là các chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan tham dự các lớp tập huấn về quyền tác giả, quyền liên quan mỗi năm.
Để đạt được mục tiêu trên, Đề án đề ra các nhiệm vụ và giải pháp như: tập trung nghiên cứu, rà soát, đánh giá để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trong hệ thống pháp luật hiện hành, bảo đảm phù hợp thông lệ quốc tế. Về tăng cường năng lực quản lý và thực thi pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan, đề án đưa ra các hoạt động gồm: Biên soạn cẩm nang tuyên truyền, tài liệu hỏi đáp về quản lý và thực thi pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan; Đào tạo bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, trong đó tập trung vào đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan từ trung ương đến địa phương; Bố trí nhân lực làm công tác quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương, trong đó Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có cán bộ chuyên trách; và hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan trong hoạt động thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch, hướng tới hoạt động chuyên nghiệp.
Về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hợp tác quốc tế, Đề án sẽ tổ chức xây dựng Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản quyền tác giả, quyền liên quan theo thông lệ quốc tế; bộ công cụ phần mềm quản lý và tra cứu phát hiện vi phạm trên Internet; Liên thông giữa cơ sở dữ liệu về đăng ký quyền tác giả, quyền liên quanvới Hệ thống dữ liệu của các cơ quan thực thi, tạo thuận lợi trong kiểm tra, phát hiện vi phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; Áp dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến đối với hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Tranh thủ sự hỗ trợ của các quốc gia và tổ chức quốc tế để tiến tới ký kết các chương trình hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật và tham gia toàn diện vào các Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan.
Đối với hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho các chủ thể quyền, cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng và công chúng được Đề án xác định là hoạt động quan trọng, đòi hỏi sự tham gia tích cực, chủ động của các cấp, ngành và toàn xã hội. Nội dung tuyên truyền bao gồm quyền lợi, trách nhiệm, chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan… Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, huy động xã hội hóa trong công tác truyền thông, tổ chức chương trình hoạt động tương tác.
Đề án góp phần nâng cao ý thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội; củng cố và tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý và cơ quan thực thi quyền tác giả từ Trung ương đến địa phương../.
Theo Ngọc Hà COV
» Cách xử lý vi phạm nhãn hiệu tại Việt Nam
» Thủ tục đăng ký Bản quyền tác giả