Pháp luật không bảo vệ “người bị hại” cố tình “ăn vạ”
Thời gian qua, hiện tượng một số cá nhân tự lao vào các phương tiện đang lưu thông trên đường với mục đích “ăn vạ” không phải là chuyện hy hữu.
Trước tình trạng này, không ít người đã tỏ ra bức xúc và đặt vấn đề: Phải có chế tài để ngăn chặn hành vi xấu của các đối tượng này. Lái xe không phải bồi thường.
Gần đây nhất là clip có thời lượng khoảng 20 giây được đăng trên một diễn đàn mạng đầu tháng 3-2015 ghi lại vụ việc một thanh niên chủ động nhảy vào đầu chiếc xe đang lưu thông trên đường. May mắn thay, đoạn clip này được camera hành trình của chiếc xe ghi lại với hình ảnh khá rõ nét. Được biết, ngay sau khi vụ “tai nạn” xảy ra, một số người có mặt tại hiện trường đã tỏ thái độ bất bình với lái xe và thái độ đó chỉ dịu bớt khi họ được xem lại toàn bộ diễn biến sự việc trên camera của xe. Mặc dù vậy, lái xe đã không thông báo sự việc đến cơ quan chức năng mà còn “bồi thường” cho người lao vào xe mình một khoản tiền. Khi clip này được đăng tải, nó lan truyền rất nhanh với hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận. Hầu hết các ý kiến đều xoay quanh nội dung “may mà trên xe có gắn camera hành trình, nếu không khả năng lái xe phải bồi thường số tiền rất cao” hoặc “việc lái xe đưa tiền cho người lao vào xe mình là điều không nên vì nó sẽ tạo tiền lệ xấu”.
Đối với vụ việc kiểu này, Luật sư – Giám đốc Công ty Luật S&B cho rằng, theo quy định của Bộ luật Dân sự, khi người lái xe sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ (xe ô tô) mà gây ra tai nạn do lỗi của họ thì phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, nếu lái xe đang tuân thủ đúng luật, tai nạn xảy ra do lỗi của người bị hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại không đặt ra đối với người lái xe. Ngược lại, người bị hại trong trường hợp này nếu gây ra thiệt hại cho lái xe, ví dụ như làm hỏng xe, gây bị thương cho người lái xe hoặc người khác đang ngồi trong xe thì còn có nghĩa vụ bồi thường. Điều 617 Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại quy định: “Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường”. Điều đó có nghĩa là trong trường hợp người chủ động lao vào xe đang lưu thông bị thương hoặc tử vong do lỗi của họ, họ sẽ tự chịu trách nhiệm và người chủ phương tiện không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng như các trách nhiệm khác.
Có thể phải chịu trách nhiệm hình sự
Trả lời câu hỏi: “Khi gặp tình huống trên, lái xe cần phải làm gì?”, Luật sư phân tích, điều quan trọng nhất là lái xe cần bình tĩnh nhanh chóng dừng xe xem người cố tình đâm vào xe mình có bị thương hay không, nếu bị thương nặng có thể nhờ người khác đưa đi bệnh viện để cứu chữa, sau đó giữ nguyên hiện trường và báo ngay cho cơ quan chức năng hay chính quyền địa phương để tiến hành các biện pháp xử lý theo quy định. Ngoài ra, lái xe cũng có thể nhờ những người có mặt tại hiện trường làm chứng, đưa ra ý kiến, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đặc biệt lưu ý là lái xe không nên đưa tiền cho người đã lao vào xe với mục đích “ăn vạ” bởi việc đưa tiền cho xong chuyện sẽ gây ra hậu quả rất lớn cho xã hội. Nó vô tình khuyến khích những người này gây ra các vụ việc tiếp theo và trong nhiều trường hợp còn gây ra tai nạn nghiêm trọng cho những người đi đường khác. Chủ phương tiện cần cương quyết và tỉnh táo để xử lý sự việc và nên nhớ rằng pháp luật luôn bảo vệ lẽ phải, không dung túng cho hành vi sai trái.
Về việc lắp đặt camera hành trình trong ô tô, với kinh nghiệm nhiều năm lái xe, Luật sư cho rằng, đây là việc làm vô cùng cần thiết, nó giúp cho chủ phương tiện có ý thức hơn khi điều khiển xe ô tô. Hơn nữa, do ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao nên tình trạng xảy ra va chạm khá thường xuyên. Khi xảy ra tai nạn, chưa biết đúng sai, tư tưởng xe to đền xe bé đã ăn sâu vào cách nghĩ của nhiều người, hiện tượng “ăn vạ nhà giàu” diễn ra thường xuyên. Thực tế đã có không ít lái xe phải móc túi đền tiền trong ấm ức. Trong trường hợp này, nếu trong xe có camera giám sát, lái xe sẽ có bằng chứng để chứng minh mình tham gia giao thông đúng luật trước đám đông hiếu kỳ và các cơ quan chức năng khi xảy ra tranh chấp…
Gọi ngay số 113 khi thấy dấu hiệu “ăn vạ”
Theo Đại úy Lê Đình Nam -Đội phó Đội CSGT- TT-PƯN CAH Chương Mỹ (Hà Nội), trong các vụ việc kể trên, vì nhiều lý do khác nhau nên lái xe thường tự giải quyết mà không trình báo đến cơ quan chức năng. Cơ quan công an khuyến cáo, khi xảy ra các vụ va chạm giao thông có biểu hiện “ăn vạ”, người điều khiển phương tiện cần lập tức gọi theo số điện thoại 113 để việc xác minh, giải quyết va chạm được kịp thời. Bên cạnh việc khẩn trương thăm hỏi, cấp cứu người va chạm nếu xảy ra thương tích, lái phụ xe cần nhờ người chứng kiến sự việc đứng ra làm chứng hoặc ghi lại thông tin người biết việc để phục vụ công tác điều tra, xác minh củng cố bằng chứng. Trong trường hợp phương tiện va chạm chở nhiều người, lái phụ xe cần yêu cầu người trên xe trật tự, không lên xuống gây xáo trộn hiện trường, cản trở công tác khám nghiệm và làm phát sinh sự việc phức tạp khác.
Quá trình điều tra, xác minh, cơ quan công an sẽ làm rõ việc có hay không có hành vi “ăn vạ” và xảy ra va chạm hay không. “Việc người đi bộ sang đường không quan sát, dẫn tới xảy ra va chạm với phương tiện được ưu tiên sẽ bị xem xét xử lý. Đặc biệt, nếu xác định có hành vi cố tình tạo ra va chạm giao thông để “ăn vạ”, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm đối tượng liên quan theo Nghị định 171 và Nghị định 67” -Chỉ huy Đội CSGT-TT-PƯN CAH Chương Mỹ cho biết.
Theo anninhthudo.vn
>> Kiệu làng Xuân Đỉnh húc vỡ kính ô tô Kia Morning là hành vi vi phạm pháp luật