Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ASEAN Economic Community, chính thức được thành lập vào ngày 31/12/2015 khi bản tuyên bố thành lập có hiệu lực.
Công ty luật chúng tôi tổng hợp một số thông tin quan trọng về Cộng đồng kinh tế ASEAN nhằm giúp Quý khách hàng và đối tác có thể tận dụng những cơ hội trong quá trình phát triển kinh doanh của mình.
I. Cộng đồng kinh tế ASEAN là gì?
Bản chất của AEC là một tiến trình hội nhập kinh tế khu vực chứ không phải là một thoả thuận hay hiệp định với các ràng buộc.
Mục tiêu của AEC là tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên, thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, và lao động có tay nghề trong khối.
AEC đề ra 04 mục tiêu hoạt động và thiết lập hàng loạt các Hiệp định, Thỏa thuận, Tuyên bố… giữa các nước ASEAN có liên quan để hoàn thành các mục tiêu:
- Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung;
- Một khu vực kinh tế cạnh tranh;
- Phát triển kinh tế cân bằng;
- Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
II. AEC có 3 hiệp định tương ứng với 3 cam kết quan trọng để xây dựng Cộng đồng Kinh tế:
- Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA)
Hiệp định ATIGA điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối và được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết cắt giảm/loại bỏ thuế quan đã được thống nhất trong CEPT/AFTA cùng các hiệp định, nghị định thư có liên quan.
Theo ATIGA, đến năm 2010 các nước ASEAN-6 phải xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 100% dòng thuế thuộc Danh mục thông thường; chỉ giữ lại một số dòng thuế thuộc Danh mục loại trừ chung gồm những sản phẩm được miễn trừ vĩnh viễn vì lý do an ninh quốc gia, đạo đức và sức khỏe).
Các nước nhóm CLMV (gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) có lộ trình dài hơn xóa bỏ thuế cho hàng hóa từ các nước ASEAN muộn hơn, đến năm 2015 mới phải xóa bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu trong Danh mục thông thường nhưng được linh hoạt giữ lại thuế suất đối với 7% số dòng thuế đến năm 2018.
Từ năm 1999 đến 2015, Việt Nam đã cắt giảm/xóa bỏ thuế nhập khẩu xuống còn 0-5% đối với khoảng 90% dòng thuế, chỉ còn giữ linh hoạt đối với 7% dòng thuế còn lại tính đến năm 2018, 3% số dòng thuế thuộc Danh mục loại trừ không phải xóa bỏ thuế quan nhưng thuế quan phải giảm xuống dưới 5%.
7% số dòng thuế được linh hoạt giữ tới 2018 này bao gồm các mặt hàng ô tô và linh kiện, sắt thép, linh kiện và phụ tùng xe máy, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, xe đạp và phụ tùng, rượu bia, sản phẩm chất dẻo, giấy các loại.
Từ năm 2018 Việt Nam chỉ còn được duy trì thuế nhập khẩu với mức thuế suất tối đa là 5% đối với khoảng 3% số dòng thuế, bao gồm phần lớn là các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm (gia cầm sống, thịt già, trứng gia cầm, quả có múi, thóc, gạo lứt, thịt chế biến, đường). Hai nhóm mặt hàng có lộ tình cam kết dài và chưa có lộ trình là xăng dầu (đến năm 2024) và thuốc lá (sẽ phải đưa ra lộ trình cắt giảm trong tương lai gần).
- Hiệp định Khung về Dịch vụ ASEAN (AFAS)
Hiệp định Khung về Dịch vụ của ASEAN (AFAS) được ký năm 1995 và Nghị định thư sửa đổi AFAS ký năm 2003 nhằm điều chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ giữa các nước ASEAN. Nội dung của AFAS tương tự Hiệp định Chung về Thương mại Dịch vụ của WTO.
Trên cơ sở AFAS, các nước ASEAN đến nay đã hoàn thành 8 Gói cam kết về dịch vụ (cam kết cho 80 phân ngành), và đang đàm phán Gói thứ 9 (cam kết cho 104 phân ngành) và sau đó sẽ đàm phán Gói cuối cùng (cam kết cho 124 phân ngành) nhằm hướng tới mục tiêu tự do hóa dịch vụ đến năm 2015.
Trong các Gói cam kết trên, các Gói cam kết 1-7 của Việt Nam có mức độ mở cửa dịch vụ chỉ thấp hơn hoặc bằng so với mức độ mở cửa dịch vụ của Việt Nam trong WTO. Nhưng bắt đầu từ Gói thứ 8 trở đi, một số cam kết của Việt Nam trong một số phân ngành đã bắt đầu cao hơn mức độ mở cửa trong WTO và bổ sung thêm cam kết cho một số phân ngành mới.
- Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACTA)
Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA) được ký kết tháng 2/2009 và có hiệu lực từ 29/3/2012 thay thế cho Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư ASEAN (IGA) 1987 và Hiệp định Khu vực đầu tư ASEAN (AIA) 1998). ACIA bao gồm 4 nội dung chính: Tự do hóa đầu tư, Bảo hộ đầu tư, Thuận lợi hóa đầu tư và Xúc tiến đầu tư.
ACIA mở rộng về phạm vi định nghĩa nhà đầu tư (ví dụ doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài khối tại một nước ASEAN khi đầu tư sang một nước ASEAN khác được coi là nhà đầu tư ASEAN). ACIA quy định về các biện pháp/yêu cầu đối với đầu tư bị cấm mà các nước thành viên không được phép sử dụng (ví dụ yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa, cân bằng cán cân thanh toán). ACIA còn quy định cơ chế giải quyết tranh chấp trực tiếp giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
III. AEC hiện đặt ra 11 ngành nghề ưu tiên, gồm:
- Nông sản;
- Du lịch hàng không;
- Ô tô;
- E-ASEAN;
- Điện tử;
- Thủy sản;
- Y tế;
- Sản phẩm cao su;
- Diệt may;
- Du lịch;
- Sản phẩm gỗ.
- AEC mở cửa thị trường tự do hóa lao động
Không chỉ thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, AEC còn cho phép các lao động có tay nghề tự do di chuyển trong thị trường lao động rộng lớn của ASEAN với 300 triệu người trong độ tuổi lao động (trong đó Indonesia chiếm tới 40%, Philippines 16% và Việt Nam 15%).
Trước mắt, lao động trong 8 ngành nghề được tự do di chuyển trong ASEAN thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Trình độ lao động tiêu chuẩn là từ Cao đẳng, Đại học trở lên.
V. Tổng quan tiến trình Việt Nam thực hiện các cam kết trong AEC:
- Về tự do hóa hàng hóa: Trong số các FTA mà Việt Nam đã ký kết, các cam kết về cắt giảm thuế quan trong ASEAN là cao nhất và nhanh nhất
- Về tự do hóa dịch vụ: các cam kết về dịch vụ trong ASEAN đều tương tự mức cam kết trong WTO, trong một số gói cam kết dịch vụ gần đây của ASEAN, mức độ cam kết đã bắt đầu cao hơn so với WTO nhưng không nhiều và cũng phù hợp với mức độ mở cửa thực tế về dịch vụ của Việt Nam.
- Về tự do hóa đầu tư: các cam kết về đầu tư trong ASEAN toàn diện hơn trong WTO và các FTA đã ký của Việt Nam nhưng cũng phù hợp với các quy định về đầu tư trong pháp luật Việt Nam (việc thực thi các cam kết về đầu tư trong ASEAN không buộc Việt Nam phải sửa đổi pháp luật trong nước)
Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên dẫn đầu trong việc thực hiện các cam kết, đạt mức độ trên 90%, chỉ sau Singapore.
Ngoài ra, Việt Nam còn dẫn đầu đưa dòng thuế về 0%. Theo thống kê, cho đến nay khoảng 90% dòng thuế Việt Nam đã về 0% và từ nay đến 2018, Việt Nam đưa tiếp 7% các dòng thuế về 0%.