Tư vấn luật tài chính và luật thuế về hoá đơn tiếp khách
Doanh nghiệp hỏi: Chúng tôi là doanh nghiệp FDI, muốn hỏi Hóa đơn tiếp khách như sau:
– Có bắt buộc phải hóa đơn của tháng nào thanh toán tháng đó không? Hay hóa đơn trong vòng 3 tháng là được ?
– Trong hóa đơn tiếp khách có bắt buộc phải có thực đơn đi kèm không? (Thực đơn có kèm cả giá)
– Nếu có thực đơn đi kèm, Địa chỉ ghi trong hóa đơn và địa chỉ ghi trong thực đơn khác nhau thì có được không ? Vì có rất nhiều nhà hàng có chi nhánh nhưng chi nhánh không phát hành được hóa đơn, hóa đơn chỉ phát hành ở trụ sở chính nên đương nhiên địa chỉ của hóa đơn và địa chỉ của thực đơn là khác nhau.
Luật sư trả lời: Về vấn đề của doanh nghiệp, chúng tôi tư vấn như sau:
Theo quy định tại Mục 8, Điều 14, Thông tư số 319/2013/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2013 được sửa đổi bổ sung theo Thông tư số 193/2015/TT-BTC ngày 24 tháng 11 năm 2015 thì hóa đơn giá trị gia tăng đầu vào phát sinh trong kỳ nào thì được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của kỳ đó, không phân biệt đã xuất dùng hay còn để trong kho.
Do vậy, hóa đơn giá trị gia tăng đầu vào của tháng nào thì phải thanh toán cho tháng đó. Trong trường hợp phát hiện kê khai sai hoặc kê khai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung cho kỳ tính thuế đó nhưng phải trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở của doanh nghiệp.
Trong trường hợp hóa đơn giá trị gia tăng chỉ ghi mục “Tiếp khách” thì bên bán hàng, cung cấp dịch vụ phải có bảng kê đính kèm ghi rõ chi tiết danh mục các hàng hóa, dịch vụ cụ thể đã cung cấp theo quy định tại Khoản 2, Điều 19, Thông tư số 39/2014/TT-BTC được sửa đổi bổ sung theo Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27 tháng 2 năm 2015. Do vậy, yêu cầu kèm thực đơn theo hóa đơn giá trị gia tăng là đúng.
Đối với việc địa chỉ ghi trong hóa đơn khác với địa chỉ ghi trong thực đơn thì luật không hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, đây là thực tế của hoạt động kinh doanh khi trụ sở có địa chỉ khác với địa điểm kinh doanh, cửa hàng.