Sự bùng nổ của internet và mạng xã hội cùng những điều kiện thuận lợi khác đã tạo cơ hội kinh doanh, buôn bán trên các trang mạng xã hội cho nhiều người. Thế nhưng, việc quản lý, đặc biệt là thu thuế đối với phương thức kinh doanh này đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Điều này vừa gây thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước, vừa tạo môi trường kinh doanh không bình đẳng. Đã đến lúc việc thu thuế đối với người kinh doanh trên mạng xã hội phải được xem xét, thực hiện nghiêm túc.
Nở rộ các cửa hàng online
Theo báo cáo thương mại điện tử của Bộ Công Thương công bố năm 2016, có 35% doanh nghiệp có bán hàng trên mạng xã hội, tăng 7% so với năm 2015 và có 60% lượng người tiêu dùng cho biết đã từng mua hàng qua các diễn đàn, mạng xã hội. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 40 website có đăng ký hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử, chiếm 5,8% tổng số website hoạt động theo mô hình sàn giao dịch thương mại điện tử. Nhưng thực tế cho thấy, có tới hàng triệu cá nhân, hộ kinh doanh đang bán hàng trên các trang mạng xã hội với doanh thu cực lớn.
Chị Nguyễn Thị Huyền Trang ở phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội cho biết, trước đây chị thuê cửa hàng trên phố Kim Giang để bán hàng, nhưng khoảng hai năm trở lại đây, chị đã trả lại cửa hàng để kinh doanh trên Facebook. Bán hàng trên Facebook dễ dàng quảng bá sản phẩm, “mặt bằng” kinh doanh không bị giới hạn, lại không phải thuê cửa hàng và tốn các chi phí điện, nước, thuê nhân viên. Hằng ngày, chị Trang chỉ cần ở nhà với chiếc điện thoại thông minh để quảng cáo, tiếp nhận các đơn hàng. Việc chuyển hàng cho khách cũng được chị thuê riêng một đội ngũ chuyên vận chuyển hàng. Với cách kinh doanh mới này, mỗi tháng chị Trang thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng, có tháng cao điểm chị thu hơn 100 triệu đồng.
Ảnh: Bán hàng trên facebook đã trở thành một phương thức kinh doanh mới của nhiều cá nhân, hộ kinh doanh.
Không chỉ những người chuyên kinh doanh, buôn bán như chị Trang, nhiều bà mẹ và nhân viên văn phòng cũng ham thích công việc kinh doanh trên Facebook. Chị Nguyễn Thị Mai Phương ở tòa nhà CT7B, chung cư Đặng Xá, xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) cho biết, thời gian nghỉ sinh con ở nhà chị được một người bạn rủ tham gia bán hàng gia dụng trên Facebook. “Lúc đầu tôi chỉ tham gia cho vui và để nhanh hết thời gian, sau thấy việc kinh doanh khá dễ dàng, đơn giản nên tôi lấy hàng về bán. Hằng ngày, tôi vừa đưa con đi chơi vừa đi giao hàng cho khách hoặc đợi khi nào chồng đi làm về thì tôi nhờ chồng đi giao hàng giúp. Thu nhập hằng tháng từ việc bán hàng của tôi khoảng 5 đến 6 triệu đồng. Hiện tôi đã bỏ hẳn công việc văn phòng để ở nhà bán hàng và có thời gian chăm con”, chị Phương chia sẻ.
Cũng tại Khu đô thị Đặng Xá, theo chị Nguyễn Thùy Linh ở tòa nhà CT7B, chỉ cần vào trang Facebook của khu đô thị, người mua có thể tìm thấy bất cứ mặt hàng gì cần thiết từ đồ ăn tới quần áo, đồ gia dụng, rau quả… Chị Linh tâm sự: “Tôi thấy như nhà nhà, người người đang đi buôn. Việc này cũng mang đến nhiều tiện lợi cho khách hàng. Tôi chỉ cần ngồi nhà đặt hàng và ít phút sau có người mang đến tận nơi”.
Quy định đã có nhưng khó thực hiện
Theo quy định tại Thông tư số 47/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương, từ ngày 20-1-2015, tất cả website thương mại điện tử, kể cả các mạng xã hội có hoạt động kinh doanh như mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ… phải tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch điện tử; cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
Bà Lê Thị Hà, Phó trưởng phòng Pháp chế, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương cho biết, khi người kinh doanh đã thiết lập một gian hàng để tiến hành bán hàng trên các mạng xã hội thì phải tuân thủ quy định tại Điều 37, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử. “Như thế, người bán hàng phải nộp thuế theo quy định của pháp luật. Việc kê khai thuế, mức thuế, loại thuế… được áp dụng theo các quy định hiện hành và được Bộ Tài chính hướng dẫn”, theo bà Hà.
Thế nhưng, theo Luật sư, để có thể thu được các loại thuế này một cách chính xác, đầy đủ trong điều kiện của nước ta hiện nay rất khó. Bởi hiện có hàng triệu người kinh doanh kiếm lợi trên mạng, nhưng cũng có tới hàng triệu tài khoản ẩn danh, việc truy tìm cá nhân thực sự điều hành các trang đó là rất khó. Luật sư nhấn mạnh: “Khung pháp lý để điều chỉnh của chúng ta là cần thiết, nhưng tính khả thi không cao. Tại các quốc gia phát triển, họ có hạ tầng công nghệ thông tin phát triển nên quản lý thông tin cá nhân rất chính xác, dễ dàng. Hơn nữa, ý thức người dân trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế cũng cao hơn nên quản lý không quá phức tạp như ở nước ta”.
Đâu là giải pháp?
Trao đổi trực tiếp với những người như chị Trang, chị Phương về vấn đề này, cả hai đều cho rằng, việc thu thuế đối với những người kinh doanh trên mạng xã hội là điều không hề đơn giản. Nguyên nhân là do khó kiểm soát giá trị mua bán, mọi giao dịch đều diễn ra dưới hình thức trao tay, không hề có hóa đơn chứng từ để chứng minh. “Hằng tháng, giao dịch mua bán của tôi lên tới vài chục triệu đồng nhưng chỉ có khoảng vài triệu đồng được chuyển qua tài khoản ngân hàng. Điều đó khiến cho việc truy thu, kê khai thuế đối với cơ quan chức năng là rất khó”, chị Trang bày tỏ.
Mới đây, tại buổi làm việc giữa Cục Thuế TP Hồ Chí Minh và lãnh đạo thành phố, không ít ý kiến cho rằng, hiện nay ngành thuế chưa triển khai thu đủ ở một số ngành mới phát sinh, qua đó cho thấy công tác quản lý nhà nước chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế. Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động thương mại điện tử hiện nay rất mạnh, có khoảng 80.000 website hoạt động trên địa bàn, trong đó một nửa website hoạt động ổn định nhưng thu thuế trong lĩnh vực này rất kém nên cần có sự phối hợp của các ban, ngành. “Đặc biệt hoạt động bán hàng qua facebook hầu như chưa thu được thuế. Đề nghị UBND Thành phố làm việc với lãnh đạo của Facebook để có cơ chế hỗ trợ trong việc kiểm soát nguồn thu”, ông Kiên kiến nghị.
Thực tế cho thấy, phần lớn các giao dịch ở nước ta chủ yếu bằng tiền mặt, do đó, để tăng cường quản lý đối với các cá nhân kinh doanh, chúng ta cần quy định kinh doanh thì bắt buộc phải đăng ký và cơ quan thuế sẽ quản lý theo địa chỉ, nơi cư trú. Từ đó, cần định hướng doanh thu đạt đến ngưỡng nào đó trong quý, năm thì phải kê khai và nộp thuế. Về lâu dài, cần phải có quy định thanh toán mua hàng trên mạng phải qua ngân hàng. Điều này cũng phù hợp với đề án không dùng tiền mặt do chính phủ vừa phê duyệt.
Theo ĐỨC TUẤN – qdnd.vn