Báo ANTĐ đã đưa tin, ngày 23-4 vừa qua, một cháu bé 6 tháng tuổi đã bị bỏ rơi trước cửa một căn hộ ở chung cư Sông Hồng Park View trên phố Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội và hiện đang được một gia đình chăm sóc.
Liên quan đến sự việc này, một số người dân đã gọi điện đến Đường dây nóng Báo ANTĐ bày tỏ băn khoăn về việc nếu vô tình thấy trẻ bị bỏ rơi, họ sẽ báo với cơ quan nào, và trong trường hợp nếu muốn nhận đứa trẻ làm con nuôi, họ phải tiến hành các thủ tục gì theo luật định?
Ảnh Nhiều trẻ bị bỏ rơi đang được nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội
Nhanh chóng lập biên bản việc trẻ bị bỏ rơi:
Làm rõ những thắc mắc nêu trên, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo quy định của Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, người phát hiện trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và thông báo ngay cho UBND hoặc Công an cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi. Trường hợp trẻ bị bỏ rơi tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo. Ngay sau khi nhận được thông báo, Chủ tịch UBND hoặc Trưởng công an cấp xã có trách nhiệm tổ chức lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi; UBND cấp xã có trách nhiệm giao trẻ cho cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng theo quy định pháp luật.
Biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi phải ghi rõ thời gian, địa điểm phát hiện trẻ bị bỏ rơi; đặc điểm nhận dạng (giới tính, thể trạng, tình trạng sức khỏe; tài sản hoặc đồ vật khác của trẻ nếu có); họ, tên, giấy tờ chứng minh nhân thân, nơi cư trú của người phát hiện trẻ bị bỏ rơi. Biên bản phải được người lập, người phát hiện trẻ bị bỏ rơi, người làm chứng (nếu có) ký tên và đóng dấu xác nhận của cơ quan lập, được lập thành hai bản, một bản lưu tại cơ quan lập, một bản giao cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ.
Sau đó, UBND cấp xã tiến hành niêm yết tại trụ sở UBND trong 7 ngày liên tục về việc trẻ bị bỏ rơi hoặc thông báo liên tục trên hệ thống loa truyền thanh. Hết thời hạn quy định, nếu không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ, UBND cấp xã thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ. Cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em. Sau khi khai sinh cho trẻ, nếu không có gia đình nào nhận trẻ làm con nuôi, trẻ sẽ được chuyển về các Trung tâm bảo trợ xã hội được thành lập hợp pháp theo trình tự, thủ tục quy định.
Thủ tục khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi:
Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ được thực hiện theo quy định của Luật Hộ tịch. Theo đó, họ, chữ đệm, tên của trẻ được xác định theo quy định của pháp luật dân sự. Trường hợp không có cơ sở để xác định ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh của trẻ thì lấy ngày, tháng phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày, tháng sinh; căn cứ thể trạng của trẻ để xác định năm sinh; nơi sinh là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong giấy khai sinh và Sổ hộ tịch để trống; trong sổ hộ tịch ghi rõ “trẻ bị bỏ rơi”.
Trong trường hợp có người nhận trẻ làm con nuôi, thì khi khai sinh cho trẻ, cán bộ Tư pháp hộ tịch căn cứ vào Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi để ghi tên cha, mẹ nuôi vào phần ghi về cha, mẹ trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của con nuôi. Tại cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “cha, mẹ nuôi”. Nội dung ghi chú này được giữ bí mật, chỉ những người có thẩm quyền mới được biết.
Pháp luật hiện hành cũng quy định rõ, nếu người phát hiện trẻ bị bỏ rơi muốn nhận đứa bé làm con nuôi thì bản thân họ phải đáp ứng đủ các điều kiện: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; Có tư cách đạo đức tốt; Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; Không phải là người đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc bị kết án mà chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác, các tội xâm phạm tình dục đối với trẻ em…
Về thủ tục nhận nuôi con nuôi, bên nhận nuôi phải nộp hồ sơ của mình và hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi tại UBND cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú hoặc nơi mình thường trú. Hồ sơ của người xin nhận con nuôi gồm: Đơn xin nhận nuôi con nuôi (Theo mẫu); Bản sao công chứng Chứng minh nhân dân (hoặc giấy tờ có giá trị thay thế); Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân…
Luật sư Nguyễn Thị Thu có phần trả lời – theo anninhthudo.vn