Các trường hợp tạm hoãn phiên tòa dân sự của BLTTDS 2015. Về nguyên tắc thì phiên tòa sơ thẩm phải được tiến hành liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên tòa. Tuy nhiên, có những trường hợp vì những lý do khác nhau dẫn đến phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm không diễn ra theo đúng trình tự nêu trên và có thể bị hoãn hoặc tạm ngừng.
Những trường hợp tạm hoãn phiên tòa hình sự:
Dưới đây, xin giới thiệu cùng bạn đọc những quy định cụ thể về việc hoãn phiên tòa giải quyết án dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) năm 2015.
Thứ nhất, về căn cứ hoãn phiên tòa
Về xét xử sơ thẩm, theo quy định tại Điều 233 BLTTDS năm 2015 thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa trong các trường hợp sau:
– Tại phiên tòa,… trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 56.
– Tại phiên tòa,… trường hợp phải thay đổi Kiểm sát viên thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 62.
– Tại phiên tòa, phiên họp,… trường hợp phải thay đổi người giám định, người phiên dịch thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự ra quyết định hoãn phiên tòa, phiên họp theo quy định tại khoản 2 Điều 84.
– Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt (khoản 1 Điều 227).
– Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (khoản 2 Điều 227).
– Trường hợp người làm chứng vắng mặt thì Hội đồng xét xử quyết định vẫn tiến hành xét xử hoặc hoãn phiên tòa… Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa nếu việc vắng mặt của người làm chứng tại phiên tòa gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc giải quyết khách quan, toàn diện vụ án (khoản 2 Điều 229).
– Trường hợp người giám định vắng mặt thì Hội đồng xét xử quyết định vẫn tiến hành xét xử hoặc hoãn phiên tòa (khoản 2 Điều 230).
– Trường hợp người phiên dịch vắng mặt mà không có người khác thay thế thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa (khoản 2 Điều 231).
– Khi có người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa mà không thuộc trường hợp Tòa án phải hoãn phiên tòa thì chủ toạ phiên tòa phải hỏi xem có ai đề nghị hoãn phiên tòa hay không; nếu có người đề nghị thì Hội đồng xét xử xem xét, quyết định theo thủ tục do Bộ luật này quy định và có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận; trường hợp không chấp nhận thì phải nêu rõ lý do (khoản 2 Điều 241).
Về xét xử phúc thẩm, tại Điều 296 BLTTDS năm 2015 quy định Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa trong các trường hợp sau:
– Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa phúc thẩm vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa, trừ trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị phúc thẩm.
– Người kháng cáo, người không kháng cáo nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa. Trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ.
– Trường hợp người kháng cáo vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Thứ hai, về thời điểm hoãn phiên tòa
Hoãn phiên tòa phát sinh vào thời điểm trước khi bắt đầu phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Tòa án chỉ có thể hoãn phiên tòa khi có những căn cứ được quy định tại Điều 233 BLTTDS năm 2015 như đã nêu ở phần căn cứ nói trên.
Thứ ba, về thời hạn hoãn phiên tòa
Thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm không được quá 1 tháng, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa. Đối với phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn thì thời hạn hoãn hiên tòa không quá 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa (khoản 1 Điều 233 BLTTDS năm 2015).
Thứ tư, về hình thức hoãn phiên tòa
Việc hoãn phiên tòa phải ra Quyết định hoãn phiên tòa bằng văn bản và Quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên và thông báo công khai tại phiên tòa; đối với người vắng mặt thì Tòa án gửi ngay cho họ quyết dịnh đó, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp (khoản 3 Điều 233).
– Quyết định hoãn phiên tòa có các nội dung chính sau: Ngày, tháng, năm ra quyết định; Tên Tòa án và họ tên những người tiến hành tố tụng; vụ án được đưa ra xét xử; lý do của việc hoãn phiên tòa; thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa (khoản 2 Điều 233 BLTTDS năm 2015).
Như vậy, BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung quy định về việc hoãn phiên tòa rõ ràng, cụ thể hơn so với BLTTHS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Còn đối với trường hợp việc xét xử có thể “tạm ngừng phiên tòa”, về nguyên tắc thì phiên tòa sơ thẩm phải được tiến hành liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên tòa, trừ trường hợp có căn cứ tạm ngừng phiên tòa và Tòa án chỉ tạm ngừng phiên tòa ở giai đoạn xét xử sơ thẩm là chủ yếu và chỉ trong trường hợp khi có lý do đặc biệt và BLTTDS năm 2015 không quy định những trường hợp nào là căn cứ tạm ngừng phiên tòa mà chỉ có quy định “trong trường hợp không có Thẩm phán hoặc Hội thẩm nhân dân dự khuyết thay thế thành viên Hội đồng xét xử hoặc phải thay đổi Thẩm phán thì chủ tọa phiên tòa mà không có Thẩm phán thay thế theo quy định tại khoản 1 Điều 226 thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu” (khoản 2 Điều 226)./.