Áp dụng luật công đoàn trong doanh nghiệp nước ngoài

Chúng tôi là một doanh nghiệp FDI và đang làm thủ tục thành lập Công Đoàn.

Hiện nay công ty tiến cử một người Việt Nam trong doanh nghiệp làm Chủ tịch công đoàn .

Anh này sẽ giữ con dấu công đoàn & tài khoản lưu giữ tiền phí công đoàn.

Để đảm bảo nghĩa vụ, phía công ty sẽ cho anh này ký thỏa thuận nhằm ràng buộc trách nhiệm trong việc quản lý dấu công đoàn & tiền đoàn phí .

Nhờ luật sư xem xét & soạn thảo giúp em thỏa thuận này (Anh – Việt).

Trả lời: Việc công ty đề nghị dự thảo văn bản thỏa thuận là vi phạm quy định Luật công đoàn.

Theo quy định tại Điều 1 Luật Công đoàn ngày 20/6/2012 thì Công đoàn là:

“Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Vậy việc Công đoàn của doanh nghiệp FDI thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Công đoàn.

Theo quy định tại Điều 27 Luật Công đoàn thì việc quản lý và sử dụng tài chính công đoàn quy định như sau:

“1. Công đoàn thực hiện quản lý, sử dụng tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tài chính công đoàn được sử dụng cho hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm của Công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn, bao gồm các nhiệm vụ sau đây:

a) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động;

b) Tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;

c) Phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn vững mạnh;

d) Tổ chức phong trào thi đua do Công đoàn phát động;

đ) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; đào tạo, bồi dưỡng người lao động ưu tú tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn;

e) Tổ chức hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch cho người lao động;

g) Tổ chức hoạt động về giới và bình đẳng giới;

h) Thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; tổ chức hoạt động chăm lo khác cho người lao động;

i) Động viên, khen thưởng người lao động, con của người lao động có thành tích trong học tập, công tác;

k) Trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ công đoàn không chuyên trách;

l) Chi cho hoạt động của bộ máy công đoàn các cấp;

m) Các nhiệm vụ chi khác”.

Để hướng dẫn việc quản lý và sử dụng tài chính của Công đoàn cơ sở thì Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã ban hành Quyết định số 269/QĐ-TLĐ ngày 07/03/2014 về việc ban hành quy chế quản lý tài chính Công đoàn.

Vậy việc quản lý và sử dụng tài chính của Công đoàn doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Quyết định số 269/QĐ-TLĐ.

Nếu cán bộ Công đoàn cơ sở của doanh nghiệp vi phạm quy chế quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn cơ sở thì sẽ bị xử lý kỷ luật và chịu trách nhiệm pháp luật theo quy định của Luật công đoàn và Điều lệ của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

Vậy giữa doanh nghiệp và cán bộ Công đoàn phụ trách không phải ký thỏa thuận ràng buộc trách nhiệm về việc quản lý và xử dụng tài chính Công đoàn.

>> Chấm dứt hợp đồng lao động khi điều trị bệnh