Bảo lãnh khác Bảo lĩnh như thế nào? Về mặt pháp luật, hai từ này lại là hai chế định hoàn toàn khác nhau:
- Bảo lãnh chỉ có trong quan hệ pháp luật dân sự
- Bảo lĩnh chỉ có trong tố tụng hình sự.
Bảo lãnh, theo Bộ luật dân sự là “biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”.
Đây là việc người thứ ba (bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh) nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình (Điều 361 Bộ luật dân sự).
Chẳng hạn: Ngân hàng cam kết sẽ thanh toán cho bên thụ hưởng của hợp đồng khoản đền bù trong phạm vi của số tiền được nêu rõ trong giấy bảo lãnh nếu bên đối tác không thực hiện được trách nhiệm của mình trong hợp đồng (bảo lãnh ngân hàng).
Bảo lĩnh, theo Bộ luật hình sự là “biện pháp ngăn chặn”. Chỉ trong pháp luật tố tụng hình sự mới có khái niệm bảo lĩnh. Tuy nhiên, nhiều người, kể cả cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng vẫn quen gọi là bảo lãnh.
Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can, bị cáo, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.
Như vậy, khác nhau giữa bảo lãnh với bảo lĩnh trong pháp luật là khác về bản chất chứ không chỉ khác về cách phát âm.