Luật sư Tiến Hòa từ công ty luật có bài viết về Bối thương thiệt hại vất chất trong Bộ luật dân sự gửi báo ANTĐ điện tử, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài viết này:
Quy định về bồi thường thiệt hại vật chất trong Bộ luật Dân sự năm 2005 được thể hiện tại Điều 397 như sau: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
Thực tế thực hiện hiện nay đang rất vướng ở điểm sau:
Trong một hợp đồng, hai bên giao kết trước cụ thể về bồi thường thiệt hại, có thể là (1) một khoản tiền cụ thể hoặc (2) một tỷ lệ % tính trên tổng giá trị hợp đồng.
Nếu sự kiện bồi thường thiệt hại xảy ra, và hai bên đều tự nguyện thực hiện theo đúng hợp đồng, tức là bên vi phạm tự nguyện trả cho bên bị vi phạm (1) khoản tiền đã ấn định hoặc (2) số tiền bằng tỷ lệ % tính trên giá trị hợp đồng – cũng là điều mà hai bên đã thỏa thuận tại hợp đồng, thì không có chuyện gì xảy ra, tức là không có vướng mắc.
Tuy nhiên, nên bên vi phạm không tự nguyện chi trả khoản bù đắp, thì buộc bên bị thiệt hại phải khởi kiện yêu cầu tòa án xét xử. Thực tế thời gian qua, điều khoản hợp đồng về bồi thường thiệt hại như nêu ở trên được thừa nhận hoặc bị từ chối bởi quan điểm cá nhân của từng thẩm phán khi xét xử. Đã từng tồn tại song song hai luồng quan điểm của thẩm phán, gồm (1) thừa nhận điều khoản của hợp đồng về việc thỏa thuận trước trong hợp đồng mức bồi thường cụ thể và (2) tuyên vô hiệu điều khoản bồi thường thiệt hại, mà xét xử theo mức thiệt hại thực tế.
Theo ý kiến của tôi, Bộ luật Dân sự sửa đổi, bổ sung nên sửa đổi quy định về bồi thường thiệt hại vật chất theo hướng chấp nhận sự thỏa thuận trước của hai bên về một mức bồi thường thiệt hại. Bởi lẽ, hợp đồng chính là sự thỏa thuận giữa hai bên giao kết hợp đồng. Do vậy, pháp luật nên tôn trọng và chấp nhận sự đồng thuận giữa hai bên khi họ giao kết hợp đồng. Mặt khác, việc chấp nhận về thỏa thuận trước mức bồi thường cũng khiến các bên tự có áp lực phải thực hiện đúng hợp đồng, nếu không muốn phải bồi thường cho hành vi vi phạm của mình.