Mấy ngày nay, một clip được cho là ghi lại cảnh đi đánh ghen bằng cách xát ớt vào vùng kín của tình địch được lan truyền mạng xã hội đang gây xôn xao dư luận.
Xung quanh câu chuyện đánh ghen, dưới góc nhìn pháp lý các chuyên gia có ý kiến thế nào về vấn đề này?
Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Luật sư (Chủ tịch Công ty luật chúng tôi).
Theo luật sư Hà:
Không ít người cho rằng cướp vợ, cướp chồng người khác thì phải bị “xử lý” và khi cơn ghen đã lên thì họ tìm mọi cách để trả thù tình địch. Và việc đánh ghen được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau. Có người chụp ảnh của tình địch đưa lên mạng xã hội với mấy câu bình luận; có người túm tóc, đánh đập, thậm chí lột quần áo tình địch rồi hô hoán ngay giữa đường giữa chợ; người ác hơn thì tạt a xít,…
Làm như thế để thỏa mãn cơn ghen nhưng họ không nghĩ rằng đó là hành vi vi phạm pháp luật mà hậu quả của nó thật khôn lường.
Tuy nhiên cũng có nhiều phụ nữ cao tay, “đánh ghen” mà không vi phạm pháp luật; tình địch thì vĩnh viễn cao chạy xa bay, gia đình, nhà cửa vẫn êm ấm hạnh phúc – Đó là một nghệ thuật mà chị em phụ nữ nên tìm hiểu.
Quá trình tác nghiệp, trên cơ sở thực tiễn, luật sư có thể phân loại nhóm hành vi đánh ghen?
– Như tôi nói trên, hành vi đánh ghen thể hiện muôn màu, muôn vẻ. “Đánh” ở đây không chỉ là tác động cơ học trực tiếp mà còn thể hiện ở các hình thái khác. Từ thực tiễn nhiều vụ án đánh ghen xáy ra, theo tôi có thể phân làm 2 nhóm:
Nhóm hành vi làm nhục: Hành vi làm nhục tình địch thường thể hiện ở việc, chửi bới; lột đồ, tung tin bôi xấu; đưa hình ảnh của tình địch lên mạng xã hôi kèm theo lời bình luận…
Nhóm hành vi gây thương tích: đánh đập, tạt a xít…
Vậy với những hành vi trên thì người đánh ghen bị xử lý thế nào?
– Tùy theo cách thức thực hiện và tính chất, mức độ của hành vi, người đánh ghen có thể bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội: “tội làm nhục người khác” , “tội cố ý gây thương tích” hoặc có thể bị truy tố cùng một lúc cả hai tội danh này.
Khi nào người đánh ghen bị xử phạt hành chính? Và khi nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
– Về xử lý hành chính: Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì người “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Về xử lý hình sự: Như đã nói trên,cùng một hành vi nhưng hành vi đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu ở mức độ nghiêm trọng. Đơn cử như việc chửi bới tình địch, nếu chửi mắng thậm tệ, rồi quay clip tung lên mạng hoặc lột quần áo của nạn nhân ở nơi công cộng, có nhiều người qua lại, chứng kiến thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 121 Bộ luật Hình sự 1999 về “tội làm nhục người khác”. Theo đó, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Vừa qua Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự 2015. Theo quy định tại Điều 155 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì “tội làm nhục người khác” quy định như sau:
“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%”
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lê
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Còn việc đánh ghen gây thương tích, căn cứ vào kết quả giám định, yêu cầu khởi tố của người bị hại, nếu hành vi đánh ghen gây thương tích rơi vào một trong các trường quy định tại khoản 1 Điều 104 BLHS 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì có thể bị xử lý hình sự về “tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.”
Cụ thể là cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; hoặc dưới 11% nhưng dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người không có khả năng tự vệ…
Khung hình phạt thấp nhất của tội danh này là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Khung hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, nếu phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác.
Khi nào thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm về hai tội danh trên?
– Ví dụ như A lột quần áo, túm tóc đánh B rồi quay cip đưa lên mạng. Do việc bị đánh, qua kết quả giám định mà B bị tổn hại 11% sức khỏe trở lên thì A sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: “tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.” và “tội làm nhục người khác”
Cảm ơn luật sư!
Luật sư có phần trả lời – theo danviet.vn