Cách xây dựng bản luận cứ bào chữa

Xây dựng bản luận cứ bào chữa là một trong những văn bản quan trọng nhất của Luật sư trong quá trình tham gia tố tụng, là hệ thống lý lẽ vận dụng để chứng minh, khẳng định hoặc bác bỏ một vấn đề pháp lý nhất định.

Luận cứ chính là tiếng nói chính thức của Luật sư tại phiên toà, thể hiện khả năng tranh tụng và văn hoá ứng xử của Luật sư, thể hiện kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội để luật sư tranh tụng tại phiên toà. Đây cũng chính là chỗ dựa vững chắc về mặt tâm lý cho thân chủ, giúp thân chủ tin tưởng vào sự công bằng của pháp luật, đồng thời cũng thể hiện được chất lượng và khả năng của luật sư khi tham gia bào chữa, bảo vệ cho thân chủ thể hiện ở bản luận cứ đầy súc tích, cô đọng, lập luận chặt chẽ, thuyết phục người nghe.

Tại phiên tòa, luận cứ là văn bản thể hiện quan điểm của người bào chữa trong việc bào chữa hoặc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình. Luận cứ cũng chính là sản phẩm trí tuệ của người bào chữa; là kết quả của quá trình nghiên cứu hồ sơ, nghiên cứu các văn bản pháp luật, thu thập, tìm kiếm những chứng cứ có giá trị chứng minh để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ.

Luận cứ bào chữa bao gồm:
Luận cứ bào chữa cho bị cáo;
Luận cứ bảo vệ cho người bị hại;
Luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan hoặc các chủ thể tham gia tố tụng khác.

Kết cấu cơ bản bản Luận cứ gồm ba phần:

  • Phần mở đầu:
    Giới thiệu tư cách của luật sư, về văn phòng luật sư đang hành nghề, về lý do tham gia bảo vệ và nêu tổng quát nội dung vụ việc;
  • Phần quan điểm pháp lý:
    Phần này rất quan trọng, là trọng tâm và đúc kết quá trình nghiên cứu hồ sơ, trao đổi, thống nhất với thân chủ, thể hiện quan điểm pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ;
  • Phần đề xuất, kết luận:
    Phần này đưa ra các kiến nghị, đề xuất của Luật sư để Hội đồng xét xử xem xét, đánh giá, trên cơ sở đó đưa ra phán quyết về vụ án một cách khách quan, công bằng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng – thân chủ của mình.

» Xác định tư cách đương sự trong vụ án dân sự

» Dịch vụ Luật sư tranh tụng, biện hộ