Chung cư thời hiện đại: Bài 4: Phải tìm được ‘đầu sợi chỉ’
Cho đến nay những tranh chấp nảy lửa giữa cư dân với chủ đầu tư tại các dự án có chiều hướng gia tăng, PV đã có cuộc trao đổi với các luật sư để đưa ra được những nhận định và giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ các mâu thuẫn.
Luật sư, Chủ tịch Công ty Luật chúng tôi cho rằng, chủ đầu tư đã tạo ra sự bất tín với người mua nhà khi vi phạm nghiêm trọng cam kết về chất lượng công trình, vật liệu xây dựng, các tiện ích đi kèm… từ đó nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp.
“Mức phạt tiền hiện nay đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà ở hiện nay còn thấp, bị vướng bởi quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính là không quá 500 triệu đồng đối với một tổ chức. Bên cạnh đó cũng phải nói đến việc phát hiện, xử lý kịp thời trong thực tế của các cơ quan chức năng có kiên quyết hay không. Chính mức xử phạt đối với hành vi vi phạm của chủ đầu tư còn thấp chưa đủ sức răn đe, dẫn đến việc nhiều chủ đầu tư biết sai những vẫn làm vì lợi nhuận.”, Luật sư cho biết thêm.
Trong số những mâu thuẫn dẫn đến việc cư dân biểu tình đó chính là chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì cho ban quản trị, phân tích về vấn đề này Luật Sư Trương Thanh Đức, chủ tịch Công ty luật Basico cho biết: “Luật Nhà ở 2014 quy định, sau khi ban quản trị được thành lập chủ đầu tư phải có trách nhiệm chuyển giao lại phí bảo trì tòa nhà cho Ban quản trị nhà chung cư.”
“Tại khoản 1 Điều 108 của Luật Nhà ở 2014 quy định trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày thu kinh phí của người mua, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm mở tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để quản lý kinh phí này và thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà chung cư biết. Bên cạnh đó, trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày Ban quản trị nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải chuyển giao kinh phí bảo trì bao gồm cả lãi suất tiền gửi cho Ban quản trị để thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định của Luật này và có thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh biết; trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí này thì Ban quản trị nhà chung cư có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà chung cư thực hiện cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải thực hiện bàn giao theo quy định của Chính phủ”, Luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ thêm.
Ở một góc nhìn khác, Luật sư Trương Anh Tú – Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú và cộng sự đã đưa ra những đánh giá đa chiều cho những tranh chấp tại các dự án hiện nay: “Trong giai đoạn bàn giao không dự án nào tránh khỏi những thiếu sót hoặc không thống nhất về quan điểm đối với một số vấn đề kỹ thuật. Cư dân, khách hàng nên trực tiếp phản hồi với chủ đầu tư để cùng chia sẻ, trao đổi và thống nhất được cách thức xử lý phù hợp thay vì “biểu tình bằng băng rôn” bởi đó không phải cách thức giải quyết các vấn đề tồn tại, tạo dựng một cộng đồng văn minh, đoàn kết. Thay đối đầu bằng đối thoại, cả cư dân lẫn chủ đầu tư sẽ được nhiều hơn là đẩy nhau sang hai bên chiến tuyến để quyết chiến, quyết thắng với nhau bởi bên nào thắng thì dự án cũng đã “mang tiếng xấu”, thậm chí khó mua bán bởi ai cũng ngại ở chung cư có tranh chấp, khiếu kiện”.
Cũng theo Luật sư Trương Anh Tú, việc tìm tiếng nói chung, thay đối đầu bằng đối thoại, là những giải pháp không mới song nó chính là “đầu sợi chỉ” trong mớ “bòng bong” của cuộc chiến chung cư. Nếu túm được “đầu sợi chỉ”, mọi nút thắt chắc chắn sẽ được tháo gỡ trong “hoà bình”. Đây cũng chính là những tư vấn rất hữu ích để chủ đầu tư và cư dân tham chiếu khi cùng nhau giải quyết những cuộc “nội chiến chung cư”.
Đối thoại thay vì đối đầu, đàm phán thay vì căng băng rôn biểu tình không chỉ gây mất trật tự cũng như hạ bệ uy tín của chủ đầu tư là những quan điểm được rút ra từ ý kiến của các luật sư. (Còn nữa)
Luật sư có phần trả lời – theo doisongphapluat.com