Đổi từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước

Từ ngày 1/1/2016, chứng minh thư nhân dân sẽ được thay thế bằng thẻ căn cước công dân theo quy định của Luật Căn cước công dân đã được Quốc hội thông qua.

Đối với chứng minh thư nhân dân được cấp trước ngày Luật Căn cước công dân có hiệu lực (1/1/2016) vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước công dân.

Các công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước công dân. Theo quy định, mặt trước của thẻ căn cước công dân gồm các thông tin: ảnh, số thẻ căn cước công dân, họ và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn. Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ, dấu của cơ quan cấp thẻ.

Thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, thay thế các giấy tờ công dân được sử dụng từ trước đến nay như: số hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, sổ bảo hiểm xã hội… Đặc biệt, thẻ căn cước công dân có thể được sử dụng thay hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu. Bộ Công an cũng cho biết, thẻ căn cước công dân phải được đổi 3 lần, khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Thủ tục cấp thẻ căn cước công dân:

Theo Luật Căn cước công dân:

– Điền vào tờ khai theo mẫu quy định;

– Người được giao nhiệm vụ thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật Căn cước công dân kiểm tra, đối chiếu thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định chính xác người cần cấp thẻ Căn cước công dân; trường hợp công dân chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong tờ khai theo mẫu quy định.

Đối với người đang ở trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thì xuất trình giấy chứng minh do Quân đội nhân dân hoặc Công an nhân dân cấp kèm theo giấy giới thiệu của thủ trưởng đơn vị;

– Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay của người đến làm thủ tục;

– Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho người đến làm thủ tục;

– Trả thẻ Căn cước công dân theo thời hạn và địa điểm trong giấy hẹn theo quy định tại Điều 26 của Luật này; trường hợp công dân có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước công dân trả thẻ tại địa điểm theo yêu cầu của công dân và công dân phải trả phí dịch vụ chuyển phát”.

Các quy định liên quan đến việc thu lệ phí làm thẻ căn cước công dân được điều chỉnh bởi Thông tư 170/2015/TT-BTC ngày 9/11/2015 của Bộ Tài chính. Cụ thể:

– Đối tượng nộp lệ phí

Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân phải nộp lệ phí thẻ Căn cước công dân theo quy định tại Thông tư này.

– Đối tượng không phải nộp lệ phí

1. Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân lần đầu.

2. Đổi thẻ Căn cước công dân khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

3. Đổi thẻ Căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân.

– Đối tượng được miễn lệ phí

1. Công dân đã được cấp Chứng minh nhân dân 9 số và Chứng minh nhân dân 12 số nay chuyển sang cấp thẻ Căn cước công dân theo Luật Căn cước công dân

2. Đổi thẻ Căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính.

3. Đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thuộc các xã, thị trấn vùng cao theo quy định của Ủy ban Dân tộc; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật.

4. Đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.

– Cơ quan thu lệ phí

1. Cục Cảnh sát Đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư – Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an;

2. Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

3. Công an quận, huyện thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính tương đương.

– Mức thu lệ phí

1. Mức thu lệ phí khi đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân như sau:

a) Đổi: 50.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.

b) Cấp lại: 70.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.

2. Công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; các xã biên giới; các huyện đảo nộp lệ phí thẻ Căn cước công dân bằng 50% mức thu quy định tại khoản 1 Điều này.

Như vậy, kể từ ngày Luật căn cước công dân có hiệu lực, công dân có thể đến các cơ quan có thẩm quyền theo những quy định vừa trích dẫn ở trên để làm thủ tục xin cấp thẻ căn cước công dân.

» Luật sư trả lời những qui định về luật căn cước công dân