Vấn đề xác định giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.
1. Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi phạm tội mà Viện kiểm sát đã truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử
Quy định trên đã chỉ ra rằng, Tòa án chỉ được xét xử một vụ án cụ thể khi có đủ những điều kiện sau:
Thứ nhất: Điều kiện để Tòa án có thể đưa vụ án ra xét xử là về chủ thể phải là người đã bị Viện kiểm sát (VKS) truy tố bằng một bản cáo trạng. Trong trường hợp vụ án có đồng phạm, vì lý do nào đó mà chưa bị VKS truy tố thì Tòa án cũng không có quyền xét xử đối với những đồng phạm đó. Còn đối với trường hợp nếu trong quá trình xét xử tại phiên tòa mà Hội đồng xét xử (HĐXX) phát hiện ra tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra thì HĐXX ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự. Căn cứ đưa ra nhận định trên là khoản 1 Điều 104 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003. Đó là điều kiện về chủ thể để Tòa án đưa vụ án ra xét xử.
Thứ hai: Tòa án chỉ được xét xử những hành vi của bị cáo đã được VKS truy tố, điều đó có nghĩa là những hành vi mà chưa bị VKStruy tố thì Tòa án không được xét xử. Vậy những hành vi nào có thể bị VKS? Hành vi phạm tội bị truy tố là những hành vi nguy hiểm cho xã hội và được quy định trong BLHS
Trong quy định Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi phạm tội mà Viện kiểm sát đã truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử cần lưu ý rằng:
Một người hoặc nhiều người cùng phạm tội, có thể chỉ thực hiện một hành vi khách quan nhưng cũng có thể thực hiện nhiều hành vi khách quan. Vì vậy, khi xác định giới hạn của việc xét xử cần phân biệt:
– Nếu chỉ có một người phạm tội và chỉ thực hiện một hành vi khách quan thì việc xác định hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và Toà án quyết định đưa ra xét xử căn cứ vào hành vi mà người phạm tội thực hiện với hành vi mà VKS truy tố về một tội danh được quy định trong BLHS và Toà án quyết định đưa ra xét xử để xác định giới hạn của việc xét xử.
– Trường hợp tuy chỉ có một người phạm tội nhưng lại thực hiện nhiều hành vi khách quan thì việc xác định hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và Toà án quyết định đưa ra xét xử chỉ căn cứ vào hành vi mà VKS truy tố về một tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự và Toà án quyết định đưa ra xét xử để xác định giới hạn của việc xét xử.
– Trường hợp cũng chỉ có một người phạm tội và người này cũng thực hiện nhiều hành vi khách quan và tất cả những hành vi khách quan đó VKSchỉ truy tố về một tội, nhưng Toà án thấy trong các hành vi mà VKS truy tố có hành vi cấu thành tội khác với tội mà VKS truy tố thì Toà án được xét xử tất cả các hành vi mà VKS truy tố nhưng không được kết án tất cả các hành vi đó về một tội và cũng không được kết án thêm tội mà VKS không truy tố.
– Trường hợp có nhiều người cùng thực hiện một hành vi phạm tội thì việc xác định giới hạn việc xét xử cũng tương tư như trường hợp một người thực hiện một hành vi phạm tội. Nếu có người nào chưa bị VKS truy tố thì Toà án trả hồ sơ vụ án để VKS điều tra bổ sung truy tố thêm người phạm tội; nếu đã trả hồ sơ vụ án mà VKS vẫn không thay đổi cáo trạng (không truy tố thêm) thì Toà án chỉ được xét xử những người mà VKS đã truy tố và kiến nghị cấp Giám đốc thẩm xem xét.
– Trường hợp nhiều người cùng thực hiện nhiều hành vi phạm tội nhưng đều bị VKS truy tố về một tội thì khi xác định giới hạn việc xét xử cần căn cứ vào hành vi của từng người phạm tội cụ thể và vai trò tham gia của họ vào việc thực hiện tội phạm, mà không tách bạch hành vi cụ thể của từng người.
– Trường hợp nhiều người trong cùng một vụ án bị truy tố về nhiều tội khác nhau thì phải căn cứ vào hành vi của từng người mà họ bị VKS truy tố và Toà án quyết định đưa ra xét xử để xác định giới hạn của việc xét xử như trường hợp đối với một người đã phân tích ở trên
2. Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố
Điều này đã được quy định cụ thể trong Nghị quyết số 04/2004/NQ – HĐTP ngày 05 tháng 11 năm 2004 hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba “ xét xử sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003.
Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật, có nghĩa là với những hành vi mà VKS truy tố, Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản nặng hơn hoặc theo khoản nhẹ hơn so với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật.
Toà án có thể xét xử bị cáo về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố, có nghĩa là với những hành vi mà VKS truy tố, Toà án có thể xét xử bị cáo về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.
Tội phạm khác bằng tội phạm mà VKS đã truy tố là trường hợp điều luật quy định về trách nhiệm hình sự (hình phạt chính, hình phạt bổ sung) đối với hai tội phạm như nhau.
Tội phạm khác nhẹ hơn tội phạm mà VKS đã truy tố là trường hợp điều luật quy định về trách nhiệm hình sự (hình phạt chính, hình phạt bổ sung) đối với tội phạm khác nhẹ hơn so với tội phạm mà VKS đã truy tố. Để xác định tội nào nhẹ hơn, tội nào nặng hơn thì cần thực hiện theo thứ tự như sau:
Trước hết xem xét hình phạt chính đối với hai tội phạm, nếu tội nào điều luật có quy định loại hình phạt nặng nhất nặng hơn thì tội đó nặng hơn.
Trong trường hợp điều luật quy định loại hình phạt nặng nhất đối với cả hai tội là tù có thời hạn (không quy định hình phạt tử hình, hình phạt tù chung thân) thì tội nào, điều luật quy định mức hình phạt tù cao nhất đối với tội ấy cao hơn là tội đó nặng hơn.
Trong trường hợp điều luật quy định loại hình phạt nặng nhất đối với cả hai tội đều tử hình hoặc đều tù chung thân hoặc đều tù có thời hạn và mức hình phạt tù cao nhất đối với cả hai tội như nhau, thì tội nào điều luật quy định mức hình phạt tù khởi điểm cao hơn là tội đó nặng hơn.
Trong trường hợp điều luật quy định loại hình phạt nặng nhất đối với cả hai tội đều là tù có thời hạn và mức hình phạt tù khởi điểm, mức hình phạt tù cao nhất như nhau, thì tội nào điều luật còn quy định loại hình phạt chính khác nhẹ hơn (cải tạo không giam giữ, phạt tiền, cảnh cáo) thì tội đó nhẹ hơn. Nếu điều luật cùng quy định các loại hình phạt như nhau, nhưng có mức cao nhất, mức khởi điểm khác nhau thì việc xác định tội nặng hơn, tội nhẹ hơn được thực hiện tương tự như hướng dẫn tại các điểm b.2 và b.3 tiểu mục 2.2 mục 2 Phần II của Nghị quyết này.
Trong trường hợp điều luật quy định các loại hình phạt chính đối với cả hai tội như nhau, thì tội nào điều luật còn quy định hình phạt bổ sung là tội đó nặng hơn. Nếu điều luật cùng quy định hình phạt bổ sung như nhau, nhưng đối với tội này thì hình phạt bổ sung là bắt buộc, còn đối với tội khác hình phạt bổ sung có thể áp dụng, thì tội nào điều luật quy định hình phạt bổ sung bắt buộc là tội đó nặng hơn.
3. Vấn đề giới hạn xét xử sơ thẩm trong trường hợp Viện kiểm soát rút quyết định truy tố tại phiên tòa.
Vấn đề giới hạn xét xử sơ thẩm của án hình sự còn liên quan đến quyết định của Hội đồng xét xử khi tại phiên tòa kiểm soát viên rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố. Nếu là trước phiên tòa mà VKS rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố thì khi đó sẽ áp dụng quy định tại Điều 180 và Điều 181 của BLTTHS. Tuy nhiên, trường hợp cần phân tích ở đây là VKS rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố tại phiên tòa.