Hành vi giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
VD: A và B uống say xong gây sự. A và B về gọi người nhà mang theo cuốc, gậy, gộc ra đánh nhau. Ra đến nơi do say nên A nằm trong ngủ trong bụi cây, người nhà của B chạy đến đánh A bị thương phần mềm. E trai của A thấy cảnh anh bị đánh gọi thêm một người nữa đánh người đó chết. E trai của A có phải bị phạm tội giết người trong tình trạng bị kích động mạnh không ạ? Và A có phạm tội gì trong trường hợp này không ạ?
1. Căn cứ pháp lý
+ Bộ luật hình sự 1999.
2. Giải quyết vấn đề
Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra là trường hợp trước khi có hành vi phạm tội, người phạm tội không còn nhận thức đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức do hành vi trái pháp luật của người người bị hại hoặc khác gây ra.
Một người bị kích động về tinh thần ngoài trường hợp người khác có hành vi trái pháp luật đối với chính bản thân họ, thì còn có cả trường hợp người khác có hành vi trái pháp luật đối với những người thân thích của họ. Những người thân thích là những người có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân như: vợ đối với chồng; cha mẹ với con cái; anh chị em ruột, anh chị em cùng cha khác mẹ đối với nhau; ông bà nội ngoại đối với các cháu v.v…
Để xác định em của A có bị khởi tố về Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, cần xem xét các yếu tố cấu thành tội này:
“Điều 95. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Giết nhiều người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.”
1. Khách thể:
Khách thể của Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng con người
2. Mặt khách quan
Là hành vi giết người- tước đoạt mạng sống của người khác một cách trái pháp luật, thông qua những hành động như : đâm, chém, đánh, đạp,…
Đối với Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh cần lưu ý, hành vi giết người phải được thực hiện trong trạng thái tinh thần của người phạmt ội bị kích động mạnh
– Tinh thần bị kích động mạnh: Là việc người thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái người đó không còn nhận thức được đầy đủ về hành vi của mình, nhưng không thuộc trường hợp mất khả năng nhận thức, hành vi, trường hợp này không giống với người không có năng lực hành vi hình sự như : mắc các bệnh tâm thần, thần kinh hay chưa đủ độ tuổi.
Tình trạng kích động này do hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng đối với người phạm tội hoặc người thân của người phạm tội. Hành vi trái pháp luật của người bị hại là yếu tố bắt buộc của loại tội này, hành vi đó phải có tác động nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng đến tinh thần của người phạm tội, làm cho người đó trong một thời điểm không còn nhận thức đầy đủ được hành vi của mình mà dẫn đến việc phạm tội.
Ở trường hợp này em của A bị kích động do A bị B và người nhà B đánh bị thương phần mềm nhưng để xác định mức độ kích động mạnh hay không để có thể quy về tội “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” thì phụ thuộc vào từng điều kiện hoàn cảnh cụ thể vì trạng thái tinh thần của mỗi người khác nhau.
3. Mặt chủ quan: lỗi cố ý
4. Chủ thể: là người có năng lực trách nhiệm hình sự, đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, không mắc các bệnh làm mất khả năng nhận thức, hành vi.
Như vậy, cần phải dựa trên đầy đủ các yêu tố trên để xem xét tính chất nghiêm trọng đối với trường hợp của em trai A. Trường hợp hành vi của em trai A chưa đủ căn cứ để xác định xem em trai của A có phạm tội giết người trong trạng thái kích động mạnh hay Tội giết người theo Điều 93 Bộ luật Hình sự 1999.
Đối với hành vi của A, do thông tin không nêu cụ thể nên trong trường hợp này không đủ kết luận có cấu thành tội phạm hay không?