Vấn đề hình sự hóa pháp nhân là các công ty chứng khoán, công ty luật chúng tôi đã có phần trả lời phỏng vấn kênh VITV về vấn đề hình sự hóa pháp nhân là các công ty chứng khoán.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn của Luật sư:
Phóng viên: Bộ luật hình sự sửa đổi sắp được trình Quốc hội cho ý kiến, có đề cập đến việc hình sự hóa pháp nhân là các CTCK. Ông có đồng tình với quan điểm này hay không? Tại sao?
Luật sư trả lời: Việc hình sự hóa pháp nhân là một vấn đề hoàn toàn mới trong pháp luật hình sự của Việt Nam.
Theo dự thảo luật vừa được ban hành, việc xử lý hình sự pháp nhân được quy định trong Chương XI về Những quy định trong đối với pháp nhân là các tổ chức phạm tội (từ Điều 72 tới Điều 84). Theo đó, Phương án 1 của Dự thảo Bộ luật hình sự mới đưa 3 tội danh liên quan đến CTCK mà tư cách pháp nhân CTCK sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, gồm:
(1) Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán.
(2) Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán
(3) Tội thao túng giá chứng khoán
Tuy nhiên, dự thảo cũng nêu rõ điều kiện để xử lý hình sự CTCK phải là:
a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân;
b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân;
c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân.
Hiện đang có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này.
Một bộ phận không đồng tình với quan điểm xử lý hình sự CTCK – với tư cách pháp nhân, mà đông nhất là chính các CTCK. Họ không ủng hộ quan điểm này.
Một bộ phận đồng tình và ủng hộ, bằng việc góp ý kiến vào bản dự thảo của Bộ luật hình sự mới được công khai lấy ý kiến nhân dân.
Cá nhân tôi, cũng đã từng tham gia thị trường chứng khoán ở tư cách nhà đầu tư chứng khoán bằng việc mua đi bán lại trên thị trường chứng khoán niêm yết cũng như chưa niêm yết nhiều năm về trước, đã từng chứng kiến nhiều tình huống nhà đầu tư mất trắng tiền chỉ trong một đêm, tôi ủng hộ việc xử lý hình sự đối với pháp nhân CTCK.
Lý do như sau:
– Thứ nhất, lĩnh vực chứng khoán sử dụng và dựa trên nền tảng công nghệ cao để phát triển chính vì vậy các tội phạm trong lĩnh vực này thường rất tinh vi và ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài sản của Nhà đầu tư. Việc xử lý hình sự công ty chứng khoán sẽ giúp chúng ta một lần nữa thanh lọc những CTCK yếu kém, làm ăn bất chính trả lại cho thị trường chứng khoán những “ con người” thực sự khỏe mạnh.
– Thứ hai, xử lý trách nhiệm hình sự các CTCK sẽ là một đòn răn đe hiệu quả đánh vào cách quản lý các CTCK. Các cổ đông sẽ chăm lo theo dõi sát sao CTCK của mình nhằm bảo vệ chính mình và công ty.
– Thứ ba, chúng ta có thể thấy rằng hình phạt cho các CTCK như tôi đã nói là hoàn toàn khả thi đó là phạt tiền, đình chỉ hoạt động, cấm huy động vốn… Như vậy, các nhà đầu tư có thể yên tâm hơn khi đầu tư vào thị trường chứng khoán. Khi xảy ra sai phạm thì chính các CTCK là chủ thể chịu trách nhiệm cho việc này đầu tiên. Sẽ không phải đợi cho tới khi tìm ra “ hung thủ” thực sự là một cá nhân nào đó trong CTCK thì mới đòi được tiền (thông thường các cá nhân vi phạm sẽ bỏ trốn).
Như vậy, với mong muốn làm cho thị trường chứng khoán trong sạch hơn, chúng ta chỉ nên giữ lại những cá thể thực sự khỏe mạnh. Việc hình sự hóa pháp nhân là một CTCK là một biện pháp bảo vệ NĐT và thanh lọc thị trường chứng khoán một cách hữu hiệu.
Phóng viên: Tình trạng do sai phạm của các nhân viên các CTCK dẫn đến làm thiệt hại cho nhà đầu tư nhưng các CTCK lại phải trách nhiệm như trường hợp của Chứng khoán Đại Việt cách đây không lâu cho thấy vấn đề nếu không quy trách nhiệm cụ thể cho các CTCK thì sẽ rất thiệt thòi cho các nhà đầu tư. Ông đánh giá như thế nào về điều này?
Luật sư trả lời: Đúng như bạn nhận định, nhân viên của CTCK làm sai, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, và CTCK phải chịu trách nhiệm bồi thường cho nhà đầu tư, tôi đánh giá việc làm này của cơ quan chức năng là hợp lý.
Vì,
– CTCK phải chịu trách nhiệm sau cùng về hành vi của nhân viên mà mình quản lý và sử dụng.
– Nhà đầu tư quan hệ với CTCK – tư cách pháp nhân của CTCK để sử dụng dịch vụ của CTCK chứ không quan hệ với cá nhân nhân viên. Nên trong trường hợp này, nhân viên thực thi việc cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư theo quy trình của CTCK phải được coi là người đại diện của CTCK trong mối quan hệ với nhà đầu tư. Vì vậy, việc nhân viên gây ra thiệt hại cho nhà đầu tư thì CTCK phải chịu trách nhiệm trước nhà đầu tư.
– Trong nội bộ, CTCK sẽ yêu cầu các cá nhân có liên quan phải bồi hoàn lại cho CTCK – pháp nhân.
– Tôi cho rằng việc quy trách nhiệm như vậy là cần thiết và đặt mục tiêu bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư – thành phần không thể thiếu của một thị trường chứng khoán, và càng không thể thiếu đối với một thị trường chứng khoán sôi động, nơi tạo ra kênh cung cấp vốn hữu hiệu cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh của họ.
Phóng viên: Theo ông, chúng ta sẽ phải xây dựng việc xử lý trách nhiệm của pháp nhân là các CTCK như thế nào để đảm bảo hài hòa cả lợi ích của cổ đông hiện hữu và các nhà đầu tư giao dịch tại các CTCK đó?
Luật sư trả lời: Tôi thấy rằng dự thảo Bộ luật hình sự mới đã làm được điều đó.
Điều 73 quy định về Nguyên tắc xử lý đối pháp nhân là các tổ chức kinh tế phạm tội nêu rõ:
1. Chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là các tổ chức kinh tế khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân;
b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân;
c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân.
2. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là các tổ chức kinh tế không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân
Như vậy, không phải trường hợp nào cũng truy cứu trách nhiệm của pháp nhân CTCK, mà chỉ khi đáp ứng được đủ 3 điều kiện: (1) nhân danh pháp nhân, (2) vì lợi ích của pháp nhân, (3) có sự chỉ đạo, điều hành, chấp thuận của pháp nhân. Pháp nhân trong điều luật này, được hiểu là người đại diện có thẩm quyền của pháp nhân – có thể là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện được ủy quyền hợp pháp.
Với chế tài xử lý hình sự pháp nhân CTCK mà hình phạt là:
– Phạt tiền.
– Cấm kinh doanh bằng việc tước giấy phép hoạt động, đình chỉ hoạt động, …
– Cấm huy động thêm vốn ….
Tức là đều nhằm đến hạn chế hoạt động của CTCK nếu đã phạm tội, cũng không khác gì cho CTCK chết một cách từ từ.
Thì quyền lợi của cổ đông của CTCK đó có bị ảnh hưởng.
Với tình hình đó, bản thân các cổ đông cũng phải thông thái và sáng suốt lựa chọn đầu tư vào những CTCK thực sự lành mạnh và đảm bảo về dòng tiền đầu tư của mình. Chỉ có cách đó, các cổ đông của CTCK mới bảo vệ được mình. Nguyên việc quyết định đầu tư vào CTCK vi phạm pháp luật đến mức độ bị xử lý hình sự thì cổ đông đó, trong vai trò 1 nhà đầu tư vốn đã có 1 quyết định sai lầm và cần phải trả giá cho quyết định đó.
Vì vậy, tôi cho rằng, dự thảo Bộ luật hình sự mới với việc quy định chặt chẽ về điều kiện xử lý hình sự CKCK như nguyên tắc nêu tại Điều 73 là đã đảm bảo hài hòa trong việc đảm bảo quyền lợi của cổ đông của CTCK đó cũng như quyền lợi của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Không phải mọi trường hợp sai phạm/vi phạm pháp luật của CTCK đều khiến tư cách pháp nhân của CTCK phải chịu trách nhiệm hình sự, mà phải đáp ứng đủ 3 điều kiện nêu tại Điều 73 của dự thảo Bộ luật.