Hòa giải trong ly hôn qui định như thế nào.
Trong các quan hệ dân sự, tôn trọng sự thỏa thuận, tự do định đoạt của các bên là một trong những nguyên tắc cơ bản. Do đó, việc hòa giải phù hợp với những quy định của pháp luật luôn được khuyến khích; đặc biệt là đối với các vụ việc về hôn nhân và gia đình, trong đó có ly hôn.
Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, khi giải quyết ly hôn sẽ có thủ tục hòa giải ở cơ sở (hòa giải diễn ra trước khi nộp đơn yêu cầu ly hôn) và hòa giải tại Tòa án (hòa giải trong khi chờ đưa vụ án ra xét xử sau khi vụ án đã được thụ lý). Hai thủ tục này có những khác biệt nhất định.
Điều 52 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 (LHNGĐ) qui định:
“Điều 52. Khuyến khích hòa giải ở cơ sở
Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.“
Theo quy định này, thì hòa giải ở cơ sở là thủ tục không bắt buộc nên không nhất thiết phải qua hòa giải cơ sở, đương sự có quyền nộp đơn ly hôn trực tiếp cho Tòa án.
Ngoài ra, điều 54 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 cũng chỉ rõ:
“Điều 54. Hòa giải tại Tòa án
Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.“
Theo quy định này khác với hoạt động hòa giải ở cơ sở, hòa giải tại Tòa án là một thủ tục bắt buộc, kể cả khi hai bên thuận tình ly hôn, trừ các trường hợp không hòa giải được theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Như vậy dù là ly hôn đơn phương hay thuận tình ly hôn thì tòa án vẫn tiến hành thủ tục hòa giải, nhằm mục đích hàn gắn lại quan hệ vợ chồng.
Việc hòa giải trước khi xét xử có ý nghĩa rất quan trọng, nó thể hiện tính trách nhiệm cao của những người có thẩm quyền xét xử, luôn đề cao việc tạo điều kiện cho đương sự có cơ hội chia sẻ, trình bày, viết lời khai trước những người có quyền ra quyết định việc ly hôn của hai người. Thủ tục bắt buộc này phải được tiến hành kể cả khi có yếu tố cho rằng không hề khả quan và khó có kết quả. Bỏ qua thủ tục này thì dù đã có quyết định, bản án thì cũng bị coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và là căn cứ để kháng cáo, kháng nghị.
Đối với thuận tình ly hôn, trong trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành, các bên đồng ý ly hôn, Tòa sẽ hòa giải để các bên thỏa thuận vấn đề nuôi con, cấp dưỡng nuôi con, chia tài sản, nợ chung… Nếu các bên thỏa thuận được, Tòa án sẽ lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn. Sau bảy ngày kể từ ngày lập biên bản, nếu các bên vẫn không thay đổi ý kiến, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự. Việc hòa giải thuận tình ly hôn sẽ giúp cho thời gian giải quyết ly hôn được nhanh chóng, thuận lợi; các bên sẽ không mất nhiều thời gian tới lui để “hầu” tòa, nếu có tranh chấp về tài sản mà hòa giải thành, các bên chỉ phải mất 50% án phí.
Tuy nhiên, tại điều 206 và điều 207 BLTTDS 2015 có quy định về những vụ án dân sự không được hòa giải và những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được cụ thể như sau:
“Điều 206. Những vụ án dân sự không được hòa giải
- Yêu cầu đòi bồi thường vì lý do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
- Những vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.
Điều 207. Những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được
- Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.
- Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng.
- Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.
- Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.”
Tại khoản 2 điều 208 BLTTDS 2015 quy định trường hợp vụ án dân sự không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của BLTTDS 2015 này thì Thẩm phán tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành hòa giải.
Như vậy, ý nghĩa của thủ tục hòa giải của Tòa án không chỉ là tạo cơ hội cuối cùng để các bên có thể hàn gắn lại quan hệ vợ chồng mà còn tạo những điều kiện thuận lợi nhất định cho quá trình ly hôn.
Hòa giải trong vụ án ly hôn: