Hướng dẫn điều chỉnh tăng, giảm vốn điều lệ và quản lý cổ phiếu quỹ

Hướng dẫn điều chỉnh tăng, giảm vốn điều lệ và quản lý cổ phiếu quỹ trong công ty cổ phần.

Sau đây là toàn văn nội dung của TT 19/2003 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn điều chỉnh tăng, giảm vốn điều lệ và quản lý cổ phiếu quỹ trong công ty cổ phần để Quý Doanh nghiệp tham khảo.

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
********

Số: 19/2003/TT-BTC

Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 2003

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 19/2003/TT-BTC NGÀY 20 THÁNG 3 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN ĐIỀU CHỈNH TĂNG, GIẢM VỐN ĐIỀU LỆ VÀ QUẢN LÝ CỔ PHIẾU QUỸ TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN

Căn cứ Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật;
Căn cứ các văn bản pháp qui của Nhà nước quy định về giao dịch chứng khoán và thị trường chứng khoán;
Bộ Tài chính hướng dẫn một số vấn đề về tài chính trong việc điều chỉnh tăng, giảm vốn điều lệ và quản lý (mua, bán, sử dụng) cổ phiếu quỹ trong công ty cổ phần như sau:

I- NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

  1. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các công ty cổ phần thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Đối với các tổ chức tài chính, tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán hoạt động theo hình thức công ty cổ phần thì việc điều chỉnh tăng, giảm vốn điều lệ và mua, bán sử dụng cổ phiếu quỹ thực hiện theo quy định các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.

  1. Trong Thông tư này các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
  2. Vốn của các cổ đông tại một thời điểm: Được xác định bằng nguồn vốn chủ sở hữu trừ số dư quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và vốn nhận liên doanh tại thời điểm đó;
  3. Cổ phiếu quỹ: Là cổ phiếu của chính công ty đã phát hành và được công ty mua lại bằng nguồn vốn hợp pháp theo quy định của Thông tư này.
  4. Người quản lý doanh nghiệp: Là những đối tượng được quy định tại khoản 12 Điều 3 Luật Doanh nghiệp.
  5. Trái phiếu chuyển đổi thành cổ phần: Là trái phiếu do công ty phát hành được chuyển thành vốn góp cổ phần trong công ty theo các điều kiện và thời gian quy định trong phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

đ. Trả cổ tức bằng cổ phiếu: Là việc công ty cổ phần sử dụng nguồn lợi nhuận sau thuế được tích luỹ (bao hàm cả nguồn ưu đãi miễn, giảm thuế của nhà nước) để bổ sung tăng vốn điều lệ, đồng thời tăng thêm cổ phần cho các cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của từng cổ đông trong doanh nghiệp.

  1. Các hoạt động mua, bán cổ phiếu quỹ, phát hành cổ phiếu mới để huy động vốn đều không phải là hoạt động kinh doanh tài chính của công ty cổ phần. Các khoản chênh lệch tăng do mua, bán cổ phiếu quỹ, chênh lệch do giá phát hành thêm cổ phiếu mới lớn hơn so với mệnh giá phải được hạch toán vào tài khoản thặng dư vốn, không hạch toán vào thu nhập tài chính của doanh nghiệp. Không tính thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng đối với các khoản thặng dư này.

Trường hợp giá bán cổ phiếu quỹ nhỏ hơn giá mua vào, giá bán cổ phiếu mới phát hành thêm thấp hơn mệnh giá thì phần chênh lệch giảm này không được hạch toán vào chi phí, không được dùng lợi nhuận trước thuế để bù đắp mà phải dùng vốn thặng dư để bù đắp, trường hợp nguồn vốn thặng dư không đủ thì phải dùng nguồn lợi nhuận sau thuế và các quỹ của công ty để bù đắp.

II- ĐIỀU CHỈNH TĂNG, GIẢM VỐN ĐIỀU LỆ

Tăng, giảm vốn điều lệ phải tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành. Trước khi thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn điều lệ, các công ty cổ phần phải thực hiện quyết toán thuế và kiểm toán báo cáo tài chính theo qui định hiện hành của Nhà nước. Hội đồng quản trị xây dựng phương án điều chỉnh tăng, giảm vốn điều lệ để trình Đại hội đồng cổ đông phê duyệt theo các quy định dưới đây:

  1. ĐIỀU CHỈNH TĂNG VỐN ĐIỀU LỆ:
  2. Vốn điều lệ của công ty cổ phần được điều chỉnh tăng trong các trường hợp sau:
  3. Phát hành cổ phiếu mới để huy động thêm vốn theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp cơ cấu lại nợ của doanh nghiệp theo hình thức chuyển nợ thành vốn góp cổ phần theo thoả thuận giữa doanh nghiệp và các chủ nợ.
  4. Chuyển đổi trái phiếu đã phát hành thành cổ phần: Việc tăng vốn điều lệ chỉ được thực hiện khi đã đảm bảo đủ các điều kiện để trái phiếu chuyển đổi thành cổ phần theo qui định của pháp luật và phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi.
  5. Thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu.
  6. Phát hành cổ phiếu mới để thực hiện sáp nhập một bộ phận hoặc toàn bộ doanh nghiệp khác vào công ty.

đ. Kết chuyển nguồn thặng dư vốn để bổ sung tăng vốn điều lệ.

  1. Việc kết chuyển thặng dư vốn để bổ sung vốn điều lệ của công ty cổ phần (theo qui định tại tiết đ điểm 1 mục A phần II) phải tuân thủ các điều kiện sau:
  2. Đối với khoản chênh lệch tăng giữa giá bán và giá vốn mua vào của cổ phiếu quỹ, công ty được sử dụng toàn bộ chênh lệch để tăng vốn điều lệ. Trường hợp chưa bán hết cổ phiếu quỹ thì công ty chỉ được sử dụng phần chênh lệch tăng giữa nguồn thặng dư vốn so với tổng giá vốn cổ phiếu quỹ chưa bán để bổ sung tăng vốn điều lệ. Nếu tổng giá vốn cổ phiếu quỹ chưa bán bằng hoặc lớn hơn nguồn thặng dư vốn thì công ty chưa được điều chỉnh tăng vốn điều lệ bằng nguồn vốn này.
  3. Đối với khoản chênh lệch giữa giá bán với mệnh giá cổ phiếu được phát hành để thực hiện các dự án đầu tư thì công ty cổ phần chỉ được sử dụng để bổ sung vốn điều lệ sau 3 năm kể từ khi dự án đầu tư đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng.

Đối với khoản chênh lệch giữa giá bán với mệnh giá cổ phiếu được phát hành để cơ cấu lại nợ, bổ sung vốn kinh doanh thì công ty cổ phần chỉ được sử dụng để bổ sung tăng vốn điều lệ sau 1 năm kể từ thời điểm kết thúc đợt phát hành.

  1. Những nguồn thặng dư nêu tại tiết a, b điểm 2 được chia cho các cổ đông dưới hình thức cổ phiếu theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của từng cổ đông.
  2. Số lượng cổ phần dự kiến phát hành thêm trong trường hợp qui định tại tiết c và tiết đ điểm 1 mục A phần II của Thông tư này được xác định theo công thức:
Số lượng cổ phần
dự kiến phát hành
= Nguồn vốn dự kiến dùng để tăng vốn điều lệ
Mệnh giá 1 cổ phần
  1. Công ty không được sử dụng các khoản chênh lệch giá từ việc tự đánh giá lại tài sản (khi không có chủ trương của nhà nước) để tăng vốn điều lệ.
  2. ĐIỀU CHỈNH GIẢM VỐN ĐIỀU LỆ:

Vốn điều lệ của công ty cổ phần được điều chỉnh giảm trong các trường hợp sau:

  1. Giảm vốn điều lệ khi nhu cầu về vốn của công ty giảm do công ty thay đổi ngành nghề kinh doanh, tổ chức lại với quy mô nhỏ hơn trước hoặc bị buộc phải huỷ bỏ cổ phiếu quỹ.

Việc điều chỉnh giảm vốn điều lệ và thanh toán tiền cho các cổ đông thực hiện theo các hình thức sau:

  1. Công ty mua và huỷ bỏ một số lượng cổ phiếu quỹ có mệnh giá tương ứng với số vốn dự kiến được điều chỉnh giảm theo phương án được Đại hội đồng cổ đông biểu quyết thông qua hoặc huỷ bỏ số lượng cổ phiếu quỹ buộc phải huỷ. Theo hình thức này thì công ty không phải trả lại tiền cho các cổ đông.
  2. Công ty thu hồi và huỷ bỏ một số cổ phiếu của các cổ đông với tổng mệnh giá tương ứng với số vốn điều lệ giảm. Theo hình thức này thì:

– Mỗi cổ đông trong công ty bị thu hồi một số lượng cổ phần theo tỷ lệ giữa số vốn dự kiến được điều chỉnh giảm với tổng mức vốn điều lệ của công ty tại thời điểm trước khi điều chỉnh.

Số lượng cổ phần thu
hồi của từng cổ đông
= Số lượng cổ phần cổ
đông đó đang sở hữu
x Số vốn dự kiến giảm
Vốn điều lệ của công ty

– Công ty phải trả cho các cổ đông một khoản tiền tính theo công thức sau:

Số tiền phải trả cho từng cổ đông (=) Số lượng cổ phần thu hồi của từng cổ đông (X) Mệnh giá cổ phần.

  1. Điều chỉnh giảm mệnh giá cổ phần mà không làm thay đổi số lượng cổ phần. Theo hình thức này, công ty thu hồi cổ phiếu của các cổ đông và phát lại cổ phiếu mới với mệnh giá đã được điều chỉnh giảm. Công ty phải trả cho các cổ đông một khoản tiền theo công thức sau:

Số tiền phải trả cho từng cổ đông (=) Số lượng cổ phần của từng cổ đông (X) Chênh lệch giữa mệnh giá cũ và mệnh giá mới.

  1. d. Hình thức kết hợp:

Căn cứ vào tình hình cụ thể, công ty cổ phần có thể kết hợp áp dụng các hình thức nêu trên để thực hiện điều chỉnh giảm vốn điều lệ.

  1. Giảm vốn điều lệ khi công ty kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp và có số lỗ luỹ kế bằng 50% vốn của các cổ đông trở lên nhưng chưa mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Hình thức giảm vốn điều lệ thực hiện theo quy định tại tiết b hoặc tiết c điểm 1 mục B phần II Thông tư này, công ty cổ phần không thanh toán lại tiền cho cổ đông.

III- CỔ PHIẾU QUỸ

  1. Công ty cổ phần được mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần loại khác đã bán như quy định tại Điều 65 Luật Doanh nghiệp. Công ty cổ phần chỉ được sử dụng nguồn vốn của các cổ đông để mua cổ phiếu quỹ trong các trường hợp sau:
  2. Mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông, theo quy định tại Điều 64 Luật Doanh nghiệp.
  3. Mua lại cổ phần để tạm thời giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành, tăng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên một cổ phần và tăng tích luỹ vốn của doanh nghiệp.
  4. Mua lại cổ phần để bán cho người lao động (kể cả ban quản lý doanh nghiệp) theo giá ưu đãi hoặc thưởng cho người lao động bằng cổ phiếu theo nghị quyết của đại hội cổ đông.

Việc dùng cổ phiếu quỹ làm cổ phiếu thưởng phải đảm bảo có nguồn thanh toán từ quỹ phúc lợi, khen thưởng.

Giá bán cổ phiếu quỹ cho người lao động được thực hiện theo mức thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán, nhưng phải đảm bảo không thấp hơn giá mua vào của cổ phiếu quỹ.

  1. Mua lại cổ phần để điều chỉnh giảm vốn điều lệ theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

đ. Mua lại cổ phần để sử dụng cho các mục đích khác nhưng việc sử dụng phải phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty và Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

  1. Điều kiện để thực hiện phương án mua cổ phiếu quỹ:
  2. Công ty có phương án được Đại hội đồng cổ đông thông qua đối với trường hợp mua lại trên 10% tổng số cổ phần đã phát hành; hoặc được Hội đồng quản trị phê duyệt đối với trường hợp mua dưới 10% tổng số cổ phần đã phát hành.
  3. Công ty có khả năng tài chính đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ về tài chính của doanh nghiệp.
  4. Công ty cổ phần không được phép mua cổ phiếu quỹ trong các trường hợp sau:
  5. Công ty đang kinh doanh thua lỗ.

b.Công ty đang làm thủ tục phát hành chứng khoán để huy động thêm vốn.

  1. Công ty có nợ phải trả quá hạn.
  2. Tổng số nợ phải thu quá hạn lớn hơn 10% tổng số vốn của các cổ đông.

đ. Công ty cổ phần chưa hội đủ yêu cầu về tăng vốn điều lệ, vốn pháp định theo quy định của pháp luật hiện hành.

  1. Dùng nguồn vốn vay và vốn chiếm dụng từ các tổ chức tài chính, tín dụng, pháp nhân và cá nhân để mua cổ phiếu quỹ.
  2. Công ty không được mua cổ phần của các đối tượng sau để làm cổ phiếu quỹ:
  3. Người quản lý doanh nghiệp và các đối tượng là vợ, chồng, bố, bố nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh chị em ruột của người quản lý doanh nghiệp (trừ các trường hợp được mua lại theo qui định tại Điều 64 của Luật Doanh nghiệp).
  4. Người sở hữu cổ phần chuyển nhượng có điều kiện theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty.
  5. Cổ đông có cổ phần chi phối, trừ trường hợp doanh nghiệp được phép mua lại cổ phần của nhà nước.
  6. Công ty cổ phần tự quyết định việc bán cổ phiếu quỹ theo qui định của pháp luật hiện hành.

Trường hợp cổ phiếu quỹ đã mua vào, nhưng sau 3 năm công ty không sử dụng và vốn của các cổ đông ở tình trạng nhỏ hơn vốn điều lệ thì công ty cổ phần phải huỷ bỏ cổ phiếu quỹ, đồng thời giảm vốn điều lệ của công ty.

  1. Việc mua, bán cổ phiếu quỹ đối với các công ty cổ phần đã đăng ký niêm yết tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán còn phải tuân thủ các thủ tục được quy định tại các văn bản pháp luật về giao dịch chứng khoán.
  2. Quản lý và hạch toán cổ phiếu quỹ:
  3. Cổ phiếu quỹ thuộc sở hữu chung của công ty và được loại trừ không chia cổ tức cho cổ phiếu quỹ (cổ tức bằng tiền mặt và cổ tức bằng cổ phiếu).
  4. Trị giá cổ phiếu quỹ trên Bảng cân đối kế toán được thể hiện là sự giảm bớt vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kinh doanh.
  5. Chi phí cho việc mua, bán cổ phiếu quỹ được hạch toán như sau:

– Chi phí mua: Hạch toán vào giá vốn cổ phiếu quỹ.

– Chi phí bán: Hạch toán giảm trừ vào số tiền thu được do bán cổ phiếu quỹ.

  1. Đại hội đồng cổ đông quyết định việc duy trì, sử dụng hoặc huỷ bỏ cổ phiếu quỹ, đồng thời thực hiện điều chỉnh giảm vốn điều lệ tương ứng với số lượng cổ phiếu quỹ bị huỷ bỏ.

VI- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Lê Thị Băng Tâm

(Đã ký)

>> Tư vấn luật tài chính, Ngân hàng