Về chế định hợp đồng, luật sư, thạc sỹ Nguyễn Thị Thu (ảnh), Công ty luật chúng tôi phân tích, khoản 1 điều 409 của dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi (gọi tắt là dự thảo) quy định: “Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ đối với nhau”. Trước đó, Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ đối với nhau”.
Như vậy, phạm vi điều chỉnh của dự thảo đã mở rộng hơn so với quy định cũ. Có thể hiểu, hợp đồng bao gồm tất cả những hợp đồng dân sự và hợp đồng không phải hợp đồng dân sự. Hợp đồng dân sự là hợp đồng được ký kết giữa một bên là cá nhân với một bên là pháp nhân hoặc một cá nhân khác. “Khái niệm trên nên quy định như cũ. Bởi hợp đồng dân sự khi có tranh chấp sẽ do tòa án dân sự giải quyết, hợp đồng kinh doanh thương mại, lao động sẽ do tòa tương ứng giải quyết. Vì vậy, thay vì khái niệm “hợp đồng” chung chung, nên viết “hợp đồng dân sự” là rõ ràng và hợp lý hơn” – luật sư Thu bày tỏ quan điểm.
Cũng theo luật sư Nguyễn Thị Thu, khoản 2 Điều 409 dự thảo quy định bổ sung: “Hợp đồng được quy định trong các văn bản pháp luật khác có liên quan phải tuân theo những quy định chung về hợp đồng quy định tại Bộ luật này”. Tuy nhiên, Điều 122 Luật nhà ở 2014 về “Công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở” lại quy định: “Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng”. Trong trường hợp này, người mua nhà chỉ cần giao tiền nhận nhà và làm thủ tục tại cơ quan công chứng, chứng thực là coi như căn nhà đã thuộc sở hữu của mình mà chưa cần phải có sổ đỏ. Như vậy, các nhà làm luật cần lưu ý về vấn đề thời hiệu của hợp đồng, tránh trường hợp quy định chồng chéo rất khó thực hiện, thậm chí không khả thi.
Một vấn đề nữa cũng cần được quan tâm đó là sự “ngầm hiểu” trong các giao dịch dân sự. Dân gian có câu “im lặng là đồng ý”. Trước đây, khi Bộ luật Dân sự 2005 chưa có quy định cụ thể nên trong nhiều trường hợp, việc các bên ngầm hiểu với nhau đã dẫn tới tranh chấp. Ví dụ, anh A sang chơi nhà anh B (anh trai) thấy nhà anh trai đã bị mốc nên ngỏ ý sơn sửa lại nhà cho anh trai và kiếm ít tiền tiêu Tết. Anh B không nói gì và bỏ vào nhà chuẩn bị đồ đi thăm bà con xa. Anh A ở nhà hí hửng tưởng anh B im lặng là đồng ý nên làm việc hăng say. Tuy nhiên, khi trở về, anh B viện cớ mình chưa đồng ý cho anh A làm nên không trả tiền và hai anh em đã nảy sinh mâu thuẫn. Vậy nếu luật có quy định như trong dự thảo: “Sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa họ” thì tranh chấp đã không xảy ra…