Kỹ năng của luật sư trong các vụ án tranh chấp đất đai

Kỹ năng của luật sư trong các vụ án tranh chấp đất đai không chỉ có kỹ năng tranh tụng mà còn phải có cả kỹ năng tư vấn về pháp luật. Vai trò của luật sư trong tranh tụng được thể hiện ở các công việc mà luật sư phải làm trong các giai đoạn của quá trình tố tụng: khởi kiện, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, kháng cáo…và cũng trong bất cứ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án, luật sư đều có vai trò tư vấn pháp luật như: tư vấn nên khởi kiện hay không khởi kiện, nên hoà giải hay không, thu thập và cung cấp chứng cứ, đề đạt với toà án những yêu cầu nào, rút yêu cầu nào…Vai trò tư vấn pháp luật của luật sư trong giai đoạn đầu của vụ án đôi khi là sự quyết định quyền lợi của khách hàng, như đối với vụ án tranh chấp thừa kế về quyền sử dụng đất đã hết thời hiệu khởi kiện, nếu Luật sư không nhận thấy vấn đề thời hiệu đã hết, không tham mưu cho khách hàng chấp nhận phương án hoà giải thì khách hàng sẽ bị mất toàn bộ quyền lợi do toà án không thụ lý hoặc trả lại đơn khởi kiện khi phát hiện thấy việc tranh chấp không còn thời hiệu.

1. Kỹ năng của luật sư trước khi tham gia phiên tòa

1.1. Tiếp nhận yêu cầu và trao đổi với khách hàng

– Trao đổi nội dung vụ tranh chấp:

Thông qua việc trình bày của khách hàng, luật sư lắng nghe và đặt các câu hỏi gợi ý để khách hàng trình bày đúng bản chất của sự việc một cách vô tư, khách quan, nhằm xác định rõ bản chất sự việc và biết được khách hàng đang quan tâm đến vấn đề gì, yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu có liên quan đến vụ tranh chấp; nắm một cách khái quát yêu cầu của khách hàng là gì, liệu ta có đáp ứng được các yêu cầu đó không; xác định quan hệ pháp luật của vụ kiện, thời hiệu khởi kiện, thẩm quyền giải quyết vụ án, điều kiện khởi kiện; nhằm để giải quyết vấn đề cốt yếu là có nên kiện hay không, hay chỉ là thương lượng hoà giải, nếu có kiện thì phải làm như thế nào. Cần xác định rõ một số vấn đề như sau:

+ Loại tranh chấp? Các bên trong quan hệ tranh chấp gồm những ai, tư cách như thế nào? Nội dung của tranh chấp?

+ Yêu cầu cụ thể của khách hàng là gì? Tài liệu, chứng cứ mà khách hàng cung cấp là gì, đánh giá giá trị của chứng cứ đó…

Khách hàng có thể yêu cầu luật sư tư vấn hoặc yêu cầu luật sư đóng vai trò là người bảo vệ quyền lợi hay người đại diện cho họ trong quá trình giải quyết vụ án.

– Quyết định có nên kiện hay không:

Tranh chấp đất đai là một tranh chấp phức tạp, và đất đai có giá trị thường rất lớn, nên có thể chi phí đi kèm với vấn đề khởi kiện cũng rất cao, như tiền tạm ứng án phí; Vì vậy, luật sư phải cùng khách hàng trao đổi kỹ và chia sẻ với khách hàng về bản chất của tranh chấp, giúp họ nhìn nhận lại một cách đầy đủ khách quan hơn về vấn đề này. Phân tích cho khách hàng thấy được những điểm lợi và những thiệt hại mà khách hàng sẽ được hưởng hoặc phải gánh chịu nếu thua kiện, từ đó thống nhất lại với khách hàng các vấn đề trọng tâm và quyết định việc khởi kiện hay không khởi kiện (khách hàng là nguyên đơn) hoạc giúp khách hàng chuẩn bị tâm lý và các chứng cứ để phản bác lại phía bị đơn (khách hàng là bị đơn). Nếu khách hàng muốn khởi kiện thì Luật sư sẽ bằng kỹ năng của mình tư vấn cho họ về khởi kiện. Khi tư vấn cho khách hàng về khởi kiện thì trước hết Luật sư cần phải định hình được khả năng hoà giải với phía bên kia như thế nào?

Để có thể khởi kiện được thì người khởi kiện có quyền khởi kiện theo luật định (Điều 68, 69 – BLTTDS 2015) như: trực tiếp tham gia trong quan hệ pháp luật, có năng lực hành vi tố tụng dân sự,… đơn khởi kiện còn nằm trong thời hiệu khởi kiện hay không? sự việc mà đương sự kiện chưa có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của toà án, cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp có thể hoà giải thì Luật sư tiến hành hoà giải cho các bên đương sự.

1.2. Hướng dẫn đương sự viết đơn khởi kiện

Luật sư là người tư vấn nhưng quyết định khởi kiện hay không là quyền của khách hàng. Luật sư không được quyết định thay cho khách hàng bởi vì nếu làm thay trách nhiệm của luật sư rất nặng nề. Đơn khởi kiện là một văn bản có giá trị tố tụng quan trọng; đơn khởi kiện thể hiện các yêu cầu của đương sự trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất mà họ yêu cầu Toà án giải quyết. Luật sư giúp khách hàng làm đơn khởi kiện, trên cơ sở các tài liệu của khách hàng, Luật sư xác định thời hiệu khởi kiện, thẩm quyền của toà án,…Theo quy định tại Điều 189 – BLTTDS 2015 quy định về hình thức, nội dung đơn khởi kiện, đơn khởi kiện phải bao gồm các nội dung chính: thời gian khởi kiện; tên toà án nhận đơn khởi kiện; tên, địa chỉ người khởi kiện; tên và địa chỉ của người bị kiện; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; các vấn đề cụ thể yêu cầu toà án giải quyết; tài liệu và chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp.

Ngoài đơn khởi kiện ra, đương sự phải gửi kèm giấy tờ về quyền sử dụng đất, như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) hoặc giấy tờ khác quy định tại khoản 1, 2, 5 Điều 50 – Luật ĐĐ2003; phải nêu được giao dịch xảy ra vào thời điểm nào một cách chính xác, có tuân theo thủ tục mà pháp luật quy định hay không hay chỉ là viết tay (Theo hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao thì giao dịch dân sự nhà đất trước 1.7.1991 chỉ cần viết tay là được); Biên bản hoà giải tại địa phương, nếu hoà giải không thành thì Toà án sẽ thụ lý giải quyết).

Luật sư phải luôn tôn trọng ý kiến của khách hàng về sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 trong quá trình tố tụng, đương sự có thể thay đổi, bổ sung hay rút bớt yêu cầu, vì vậy luật sư phải luôn chú ý để kịp thời tư vấn cho khách hàng nên đưa ra các yêu cầu như thế nào là hợp lý, phù hợp với quy định của pháp luật.

1.3. Hướng dẫn đương sự thu thập và cung cấp chứng cứ

Đối với các vụ án tranh chấp đất đai, vấn đề tìm ra chứng cứ và cung cấp chứng cứ là rất quan trọng, vì trong nhiều vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất có nguồn gốc rất lâu đời, nên chứng cứ bị mất dần đi theo thời gian, việc thu thập chứng cứ là vô cùng khó khăn. Hơn nữa, pháp luật của Việt Nam về đất đai thay đổi nhiều qua từng thời kỳ, việc quy định về vấn đề chứng cứ cũng thay đổi nhiều như: thời kỳ cải cách ruộng đất, trước và sau giải phóng, trước và sau khi có các luật đất đai,…Theo quy định mới của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015: khoản 1 Điều 91: “Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, trừ các trường hợp sau đây:…”,
Điều 93: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.”.

Nguồn chứng cứ:

Nguồn chứng cứ trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất rất phong phú, nhất là các chứng cứ gián tiếp. Đương sự có thể tìm chứng cứ từ nhiều nguồn khác nhau như theo quy định của Điều 84 (Nguồn chứng cứ), Điều 95 (Xác định chứng cứ) – BLTTDS 2015, nguồn chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau: Các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; các vật chứng; Lời khai của đương sự; Lời khai của người làm chứng; kết luận giám định; kết quả định giá tài sản,… Cho nên, để bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ, luật sư phải tư vấn cho khách hàng về thu thập chứng cứ từ nhiều nguồn chứng cứ khác nhau để cung cấp cho Toà án phục vụ cho quá trình giải quyết vụ án. Và một việc cũng rất quan trọng là luật sư cần giúp đương sự, hướng dẫn đương sự tập hợp lại các chứng cứ đã thu thập được, đánh giá sơ bộ chứng cứ nào là quan trọng đối với việc giải quyết vụ án.

Giao nộp chứng cứ:

Theo quy định tại điều 96 – BLTTDS 2015: “Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ việc thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Nếu đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật này để giải quyết vụ việc dân sự…”. Sau khi đã thu thập chứng cứ cần thiết, luật sư cần hướng dẫn đương sự cung cấp chứng cứ cho Toà án và cân nhắc kỹ lưỡng việc cung cấp chứng cứ vào thời điểm nào có lợi cho việc giải quyết vụ án. Đây là quyết định có tính chiến lược trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất. Có thể cung cấp chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử hoặc cung cấp chứng cứ tại phiên toà. Thực tế cho thấy, trong các vụ án tranh chấp về nhà đất, chứng cứ rất phức tạp. Vì vậy, kỹ năng của Luật sư đối với việc xem xét, đánh giá chứng cứ phải được trau dồi thường xuyên và đúc rút được nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này hết sức bổ ích đối với hoạt động hành nghề của luật sư.

1.4. Nghiên cứu hồ sơ

Sau khi đã tư vấn cho khách hàng về các vấn đề đã nêu trên, khách hàng có thể mời Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho mình trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất. Trong giai đoạn này, luật sư cần phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức cho việc nghiên cứu hồ sơ của khách hàng và hồ sơ vụ án, vấn đề này đòi hỏi luật sư phải có kỹ năng nghiên cứu.

Nghiên cứu hồ sơ trong bối cảnh này để tìm hiểu, xem xét kỹ lưỡng những vấn đề cốt lõi trong hồ sơ, nhằm phục vụ cho việc giải quyết vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Luật sư phải nắm được các thông tin quan trọng, kiểm tra thông tin, rút ra điểm lợi thế và điểm bất lợi của các bên tranh chấp. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, Luật sư phải ghi chép những nội dung quan trọng hay sao chép tài liệu và các bút lực cần thiết, hệ thống lại trên cơ sở đánh giá chứng cứ và bổ sung thêm nếu thấy cần thiết. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Luật sư phải kiểm tra, đánh giá những thông tin có được nhằm xác định độ chính xác của thông tin. Từ sự gợi ý của hồ sơ Luật sư phải thu thập chứng cứ và tiếp tục củng cố hồ sơ. Luật sư có thể đề xuất các biện pháp cần thiết với Toà án hoặc cơ quan hữu quan những vấn đề liên quan đến hồ sơ và việc giải quyết vụ án. Nói chung, một số nội dung cần được củng cố chắc chắn trong quá trình nghiên cứu hồ sơ:

– Kiểm tra lại quan hệ pháp luật có tranh chấp.

– Kiểm tra lại các vấn đề liên quan đến thủ tục tố tụng: kiểm tra tính hợp lệ trong việc thụ lý của Toà án, thẩm quyền giải quyết của Toà án; thời hiệu khởi kiện; người có quyền khởi kiện; hoà giải;

– Làm rõ nội dung tranh chấp.

– Nghiên cứu và đánh giá chứng cứ: Là việc luật sư trực tiếp cảm thụ, xem xét, phân tích và so sánh chứng cứ. Cũng như trong hoạt động xét xử, việc thu thập, nghiên cứu, bảo quản và đánh giá chứng cứ là một công việc hết sức quan trọng. Luật sư cần nắm rõ vấn đề này để chuẩn bị tốt cho giai đoạn tham gia phiên toà. Trong quá trình nghiên cứu và đánh giá chứng cứ, luật sư có thể phát hiện ra những chứng cứ bất lợi và có lợi cho khách hàng của mình, những chứng cứ có lợi cần khai thác triệt để.

– Nghiên cứu các quy định của pháp luật, văn bản pháp luật cần thiết để áp dụng phù hợp với nội dung vụ tranh chấp.

1.5. Chuẩn bị Bản đề cương Luận cứ bảo vệ cho thân chủ

Đây là văn bản có ý nghĩa quan trọng về mặt tố tụng:

– Bản luận cứ thể hiện kết quả của quá trình chuẩn bị tham gia phiên toà.

– Là cơ sở để luật sư tranh luận, bảo vệ quyền lợi của khách hàng tại phiên toà. Thông qua đó, luật sư phân tích, nhận định và giải thích pháp luật nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

– Thể hiện trình độ, kiến thức của luật sư.

– Phản ánh quan điểm bảo vệ của luật sư, phản ánh nguyện vọng của khách hàng thông qua các yêu cầu mà luật sư đề xuất.

Để có một bản luận cứ sắc sảo, có tính thuyết phục, luật sư cần phải làm tốt các khâu chuẩn bị sau:

– Lên đề cương chi tiết.

– Lắp đặt những phần đã được ghi chép vào đề cương luận cứ.

– Trình bày những nhận định và đề xuất dưới dạng đơn giản.

– Chuẩn bị các luận cứ để phản bác lại các ý kiến của đối phương.

– Sử dụng các văn bản pháp luật.

Cơ cấu bản luận cứ bao gồm ba phần:

– Phần mở đầu: Giới thiệu qua về bản thân luật sư, bối cảnh nhận tham gia phiên toà.

– Phần nội dung: Nêu tóm tắt diễn biến vụ án; phân tích tính hợp lệ, bất hợp lệ đối với việc mà toà án thụ lý; nhận định quan hệ tranh chấp; xác định những vấn đề cần giải quyết, đưa ra luận điểm của mình;

– Phần cuối

Đề xuất các yêu cầu cụ thể, rõ ràng.

Luật sư có thể gửi bản luận cứ của mình trước cho Hội đồng xét xử nhưng phải chỉnh sửa lại cho phù hợp với diễn biến của phiên toà.

2. Kỹ năng của Luật sư tại phiên tòa sơ thẩm vụ án tranh chấp đất đai

Giai đoạn tranh tụng tại phiên toà có ý nghĩa rất quan trọng, nó có ảnh hưởng rất lớn tới sự thành bại của công việc. Vì vậy, luật sư cần có sự chuẩn bị tốt về tinh thần, nội dung công việc trong giai đoạn này.

2.1. Giai đoạn trước xét xử

Luật sư cần tham dự các lần lấy lời khai tại Toà án cùng với khách hàng, nhất là lần lập biên bản lời khai đầu tiên, điều này sẽ khiến khách hàng yên tâm hơn và có thể trao đổi ý kiến một cách cởi mở với luật sư.

Trong khi tham dự lấy lời khai, luật sư có thể xin phép Toà án được tham gia ý kiến để giúp khách hàng trình bày rõ hơn về sự thật của vụ án.

Luật sư cùng khách hàng tham dự buổi hoà giải tại toà án trong giai đoạn trước khi xét xử với tinh thần nỗ lực hoà giải hai bên nhằm đạt kết quả cao nhất, nhưng luôn thể hiện quan điểm bảo vệ cho thân chủ của mình, tuyệt đối không được trao đổi về bất cứ vấn đề gì với đối phương của thân chủ trong suốt quá trình giải quyết vụ án.

Luật sư thường xuyên theo dõi diễn biến để kịp thời tư vấn cho khách hàng về đề nghị Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi cần thiết như kê biên tài sản nhằm tránh phân tán tài sản để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.

Luật sư phải thường xuyên theo dõi diễn biến của vụ án, cung cấp thông tin kịp thời cho khách hàng, đồng thời yêu cầu khách hàng phải cung cấp thông tin kịp thời cho luật sư để có những quyết sách phù hợp.

2.2. Tại phiên toà

Tại phiên toà sơ thẩm, khi bắt đầu phiên toà, Luật sư phải hết sức chú ý đến thủ tục tố tụng như các trường hợp nào cần phải thay đổi người tiến hành tố tụng, thủ tục hoãn phiên toà, ví dụ: trong trường hợp Hội đồng xét xử đề nghị hoãn phiên toà không theo căn cứ quy định tại Điều 233 – BLTTDS 2015, Luật sư có quyền đề xuất ý kiến phản đối quyết định hoãn đó, tuy nhiên với thái độ hết sức mềm mỏng và luật sư cũng có thể tận dụng những cơ hội như vậy để đề nghị với Hội đồng xét xử, nếu thấy việc hoãn phiên tòa là cần thiết và có lợi cho thân chủ, ví dụ như nếu thân chủ bổ sung yêu cầu vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu thì xin hoãn phiên toà,… Luật sư cũng có thể đề nghị cung cấp thêm chứng cứ hoặc triệu tập thêm người làm chứng.

Trong giai đoạn thẩm vấn, luật sư cần quan tâm theo dõi diễn biến phiên toà, nghe đầy đủ các lời hỏi đáp để nắm rõ hơn về nguồn gốc đất, chứng cứ đưa ra của các bên, các tình tiết khách quan của vụ án. Luật sư có thể đặt các câu hỏi để bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Luật sư cần trình bày ngắn gọn dưới dạng liệt kê sự kiện và căn cứ đưa ra cũng chỉ là chừng mực nhất định. Sau khi Hội đồng xét xử hỏi xong thì luật sư mới được hỏi và hỏi những vấn đề mà Hội đồng xét xử chưa hỏi, câu hỏi phải nhằm mục đích mang lại điều gì có lợi cho thân chủ. Không phân tích, giải thích trong quá trình đặt câu hỏi, vì điều đó dễ bị Hội đồng xét xử lưu ý, ảnh hưởng đến tâm lý. Vụ án nhà đất thường quyết định thắng thua qua các tình tiết khách quan được các đương sự trình bày, xác nhận hay không xác nhận, do đó luật sư cần tích cực tham gia hỏi tại phiên toà để làm rõ những điểm có lợi cho khách hàng, xác định quan hệ pháp lý giữa nguyên đơn và bị đơn, giá trị quyền sử dụng đất, sự gắn bó của thân chủ với quyền sử dụng đất tranh chấp, yêu cầu được quản lý, sử dụng diện tích đất đang tranh chấp,…

Kỹ năng tranh luận: Khi trình bày quan điểm của mình luật sư cần đi sâu phân tích những tình tiết quan trọng của vụ án; tóm tắt ngắn gọn nội dung tranh chấp và những căn cứ đưa ra để bảo vệ quan điểm, phân tích những nội dung đó, viện dẫn cơ sở pháp lý để chứng minh cho các yêu cầu của đương sự. Đề xuất những vấn đề cụ thể với Hội đồng xét xử là chấp nhận cái gì và không chấp nhận cái gì. Đối đáp với luật sư phía bên kia về những vấn đề họ đưa ra, chăm chú lắng nghe và viện dẫn văn bản pháp luật để chứng minh.

3. Các công việc Luật sư cần làm sau phiên tòa sơ thẩm

Theo quy định của pháp luật, sau khi Toà án tuyên án thì đương sự hoặc người bảo vệ quyền lợi của đương sự có quyền được xem biên bản phiên toà và đề xuất điều chỉnh hoặc bổ sung biên bản phiên toà cho phù hợp (nếu được Toà án cho phép thì tốt, còn nếu không phải lập thành văn bản gửi Toà án), do đó luật sư cùng với khách hàng của mình đề xuất với Toà án được xem biên bản phiên toà và cùng nhau trao đổi, phát hiện những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung. Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp có lỗi về chính tả, tính toán sai số liệu.

Theo quy định tại Điều 269 – BLTTDS 2015:

“Điều 269. Cấp trích lục bản án; giao, gửi bản án

  1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên tòa, các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện được Tòa án cấp trích lục bản án.
  2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp.
  3. Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật của Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng khởi kiện phải được niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án và công bố công khai trên một trong các báo hàng ngày của trung ương hoặc địa phương trong ba số liên tiếp.”

» Luật sư giải quyết tranh chấp đất đai tại tòa án

Luật sư trong các vụ án tranh chấp đất đai: