Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp lao động cá nhân. trong quan hệ lao động, những tranh chấp phát sinh giữa cá nhân người lao động và người sử dụng lao động là điều khó tránh khỏi. Để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, mỗi bên đều mong muốn giải quyết những tranh chấp này nhanh chóng và hiệu quả nhất.

– Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân:

Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012, tranh chấp lao động cá nhân là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa cá nhân người lao động với người sử dụng lao động. Việc giải quyết tranh chấp lao động cá nhân phải do cơ quan có thẩm quyền thực hiện, theo trình tự, thủ tục nhất định và phù hợp với quy định của pháp luật về thời hiệu giải quyết tranh chấp. Bài viết sẽ lần lượt giải thích rõ các nội dung này ở các phần dưới đây.

1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Theo quy định tại Điều 200 Bộ luật lao động năm 2012 thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân gồm:

– Hòa giải viên lao động;

– Tòa án nhân dân.

2. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

a, Giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải viên lao động

Theo quy định tại Điều 201 Bộ luật lao động năm 2012 thì Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

– Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

– Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

– Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

– Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

– Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Thời hạn hòa giải lao động: Việc hòa giải kết thúc trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu hòa giải.

Nếu hai bên chấp nhận phương án hòa giải, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hòa giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành.

b, Giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án nhân dân

Đối với những tranh chấp không bắt buộc thông qua hòa giải, hoặc tranh chấp phải qua hòa giải nhưng hòa giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Thẩm quyền giải quyết của Toà án theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, theo đó nếu các bên không có thỏa thuận khác thì Tòa án nơi bị đơn cư trú (nếu bị đơn là người lao động), nơi bị đơn đóng trụ sở chính (nếu bị đơn là người sử dụng lao động) có thẩm quyền giải quyết. Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết.

3. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

– Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

– Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

» Luật sư tranh tụng vụ án lao động tại Tòa án

Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp lao động: