Việc Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) tạm dừng lưu hành một số bài hát với lý do lời bài hát đã bị chỉnh sửa và sai so với lời bài hát gốc đã gây tranh cãi trong dư luận. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu Cục NTBD thực hiện việc đó có đúng thẩm quyền, những quy định về việc cấp phép ca khúc hiện nay có bất cập? Báo Lao Động có cuộc trao đổi với luật sư, thạc sĩ Phạm Duy Khương – Giám đốc Cty luật chúng tôi và đại diện lãnh đạo Cục NTBD, Thanh tra Bộ VHTTDL về vấn đề này.
Luật sư, thạc sĩ Phạm Duy Khương – Giám đốc Công ty luật chúng tôi. Ảnh: Đặng Chung.
Cục NTBD vừa ban hành lệnh tạm dừng lưu hành “Con đường xưa em đi” và một số ca khúc khác với lý do vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Cục NTBD dựa trên các căn cứ pháp lý nào để ra văn bản đó?
– Đại diện lãnh đạo Cục NTBD: Đối với việc thu hồi văn bản đã cấp phép biểu diễn cho các ca khúc này, chúng tôi căn cứ vào Nghị định 79/2012/NĐ-CP và Nghị định 15/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 79. Điều 6 NĐ 79 quy định về những điều cấm, trong đó có quy định các tổ chức, cá nhân không được vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), các quy định của pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan. Khi phát hiện ra những hành vi vi phạm đó, thì bản thân tất cả những tổ chức, cá nhân đều có trách nhiệm ngăn chặn, huống chi là cơ quan quản lý nhà nước. Nên chúng tôi cũng phải có biện pháp ngăn chặn.
– Luật sư Phạm Duy Khương: Để xác định việc cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc có hợp lý hay không, và việc Cục NTBD tạm dừng lưu hành các bản nhạc bị coi là xâm phạm quyền tác giả có đúng hay không, cần phải xem xét các cơ sở pháp lý của việc cấp phép phổ biến tác phẩm (hiện dừng lại ở văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất là Nghị định) trong mối tương quan với các văn bản pháp lý đang có hiệu lực pháp luật khác hiện nay, cụ thể là Luật SHTT 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Về mặt nguyên tắc, trừ khi tác phẩm trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh (Điều 8.1 của Luật SHTT), còn khi đã được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định thì sẽ được bảo hộ với đầy đủ các quyền nhân thân và quyền tài sản.
Việc Cục NTBD kết luận các bài hát này vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan được đưa ra sau quá trình thẩm định, đánh giá của Hội đồng nghệ thuật thuộc Cục NTBD. Tuy nhiên, khi xem xét quy định tại Điều 200 của Luật SHTT quy định về thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT thì “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, UBND các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT”. Nếu căn cứ vào các quy định nêu trên, thì Cục NTBD không phải là đơn vị có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT. Và theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì chỉ chủ sở hữu mới có quyền yêu cầu cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành xử lý vi phạm bản quyền.
– Đại diện Thanh tra Bộ VHTTDL: Theo văn bản, quy định pháp luật về nghệ thuật biểu diễn, Cục NTBD là nơi cấp phép, thì là nơi hoàn toàn có đủ thẩm quyền để thu hồi cấp phép tác phẩm vi phạm pháp luật. Việc chứng minh vi phạm pháp luật đó có vi phạm bản quyền hay không, tư liệu ấy ở Cục NTBD, người ta có đủ tư liệu thì người ta quyết định hành chính. Vấn đề là Cục NTBD ra quyết định thu hồi phải trên cơ sở đủ tư liệu chứng minh được tác phẩm đó vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
Những cơ quan nào hiện nay có thẩm quyền xử lý vi phạm đối với một tác phẩm vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật?
– Đại diện Cục Bản quyền tác giả: Theo quy định của Luật SHTT có 2 tuyến. Một tuyến là cơ quan quản lý nhà nước theo Luật Khiếu nại và tố cáo. Ví dụ như Cục Bản quyền tác giả có quyền trong vấn đề cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Trong trường hợp vi phạm, thì cơ quan xử lý bao gồm thanh tra và các cơ quan như công an, hay tòa án là những cơ quan có trách nhiệm xác định có xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan hay không.
– Đại diện Thanh tra Bộ VHTTDL: Theo tài liệu hiện nay, Cục NTBD có đủ chứng cứ để cho rằng việc sửa lời ca khúc đó là xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, thì họ có quyền xử lý ngay, chứ không phải hỏi chủ sở hữu làm gì nữa. Nếu sau này có đơn thư, có kiện của các chủ sở hữu thì Cục NTBD có trách nhiệm cung cấp các tư liệu đó.
Cục NTBD là nơi cấp phép, thì hoàn toàn có đủ thẩm quyền để thu hồi cấp phép tác phẩm vi phạm pháp luật.
– Luật sư Khương: Cục NTBD vẫn có quyền. Nhưng quyền đó chỉ được thực hiện khi có điều kiện cần và đủ, có hành vi vi phạm bản quyền. Tại Điều 28 của Luật SHTT, thì hành vi “Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả” chỉ bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả khi việc sửa chữa, cắt xét đấy “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.
Tuy nhiên, theo thông tin do Cục NTBD đã công bố thì đến thời điểm hiện tại, Cục NTBD hay Hội đồng nghệ thuật không hề xem xét đến yếu tố thiệt hại về “danh dự và uy tín” của tác giả để đưa ra quyết định của mình, mà chỉ đơn thuần dựa vào hành vi, tức là có tác phẩm đang lưu hành khác lời so với lời gốc. Cũng phải nói thêm rằng, một yêu cầu xác định “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả” như vậy cũng cần có chủ sở hữu quyền lên tiếng.
Tôi kiến nghị, Cục NTBD cần thu hồi lại văn bản tạm dừng lưu hành với “Con đường xưa em đi” và một số tác phẩm khác mà Cục cho rằng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, vì chưa phù hợp với quy định của Luật SHTT về thực thi và bảo vệ quyền tác giả. Việc dừng thế này ảnh hưởng đến thời gian lưu hành sản phẩm và gây thiệt hại về mặt kinh tế đối với chủ sở hữu của tác phẩm. Trong trường hợp này, tác giả, chủ sở hữu hoàn toàn có thể khởi kiện nếu thấy việc tạm dừng lưu hành gây thiệt hại cho mình về mặt kinh tế.
Có nhiều ý kiến cho rằng, việc cấp phép phổ biến ca khúc hiện nay đang làm khó nghệ sĩ trong quá trình hoạt động nghệ thuật. Tới đây, Cục NTBD có kiến nghị sửa các quy định để thông thoáng hơn không?
– Đại diện Cục NTBD: Trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chúng tôi thường xuyên tổ chức công tác phổ biến văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình phổ biến thì cũng tiếp nhận các góp ý để hoàn thiện hơn các văn bản pháp luật, để làm sao tạo điều kiện hết sức cho các tổ chức, cá nhân được thuận lợi. Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến để trình lãnh đạo bộ sửa những gì không phù hợp.
Theo luật sư Phạm Duy Khương: Việc yêu cầu tổ chức, cá nhân phải làm thủ tục cấp phép trước khi phổ biến tác phẩm âm nhạc là chưa phù hợp với tinh thần của Luật SHTT về quyền tác giả. Đồng ý rằng, việc cấm phổ biến, lưu hành đối với các bài hát có nội dung chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục, lợi ích công cộng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn, xã hội là cần thiết, nhưng cần phải có quy định chặt chẽ, rõ ràng về điều kiện, trình tự, thủ tục cấp phép để đảm bảo phù hợp với mục đích quản lý và các quy định trong các văn bản pháp luật khác có hiệu lực pháp lý cao hơn, phù hợp với chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng và Nhà nước.