Người bị tạm giữ có những quyền gì? Người bị tạm giữ, Bị can, Bị cáo là tên gọi một người khi ở vào các giai đoạn tiến hành tố tụng khác nhau. Được gọi là người bị tạm giữ khi người đó bị bắt tạm giữ, thời hạn tạm giữ tối đa là 09 ngày (3 ngày và được gia hạn 2 lần), hết thời hạn đó thì hoặc là trả tự do hoặc là chuyển sang tạm giam.
Theo quy định của pháp luật, Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Do vậy ngay khi lâm vào vòng lao lý và bị bắt giữ, người bị tạm giữ vẫn có những quyền được bảo vệ theo pháp luật. Cụ thể Bộ luật tố tụng hình sự quy định các quyền như sau:
Điều 48. Người bị tạm giữ
1. Người bị tạm giữ là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ.
2. Người bị tạm giữ có quyền:
A) Được biết lý do mình bị tạm giữ;
B) Được giải thích về quyền và nghĩa vụ;
C) Trình bày lời khai;
D) Tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa;
Đ) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
E) Khiếu nại về việc tạm giữ, quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
3. Người bị tạm giữ có nghĩa vụ thực hiện các quy định về tạm giữ theo quy định của pháp luật.
Người bị tạm giữ được quyền tự bào chữa hoặc mời luật sư bào chữa, theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự: Đối với trường hợp tạm giữ người thì trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do.