Những điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2014

Những điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8, ngày 26/11/2014, có hiệu lực kể từ 01/7/2015. So với Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2014 có 10 chương, 213 điều, tăng 41 điều, trong đó: Chương IV quy định về doanh nghiệp nhà nước với 22 điều là chương mới hoàn toàn; Điều 10 quy định về tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội cũng mới hoàn toàn.

Luật Doanh nghiệp năm 2014, được coi là một bước đột phá mới về thể chế, có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa tiếp tục kế thừa, luật hóa những quy định còn phù hợp đã và đang đi vào cuộc sống của Luật Doanh nghiệp năm 2005, nhưng đồng thời đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập của Luật cũ, tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư được tự do kinh doanh, đầu tư các lĩnh vực mà pháp luật không cấm theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013. Theo đó, Luật Doanh nghiệp năm 2014 có 10 điểm mới cơ bản, như sau:

Một là, tư duy mở khi Luật chỉ quy định những vấn đề chung nhất, mang tính định hướng (thậm chí có nhiều điểm là gợi mở) về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, về chi tiết thì nhường lại cho doanh nghiệp tự do, tự nguyện, cam kết, thoả thuận theo các quy định của pháp luật và phù hợp với hoạt động doanh nghiệp. Ví dụ như:

– Cho phép công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật (Luật 2005, chỉ có 01 người đại diện theo pháp luật);

– Cho phép công ty cổ phần có thể chọn một trong hai mô hình tổ chức, quản lý (có Ban kiểm soát hoặc không có Ban kiểm soát);

– Cho phép lựa chọn cách bầu dồn phiếu hay không bầu dồn phiếu khi bầu thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát công ty cổ phần v.v.

– Bãi bỏ việc gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp như cấm một người đã làm Giám đốc (Tổng Giám đốc) công ty cổ phần không được làm Giám đốc (Tổng Giám đốc) công ty khác.

Hai là, thay đổi quan trọng trong nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp,

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, thì nội dung của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ còn 4 nội dung chính: tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; thông tin chi tiết nhân thân của cá nhân là người đại diện theo pháp luật, chủ DNTN, thành viên hợp danh, thành viên công ty TNHH; vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Trong đó điểm đặc biệt quan tâm đó là: bỏ ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy CNĐKDN; bỏ việc xác định vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề (đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện) khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Theo đó, các tổ chức, cá nhân cứ thành lập doanh nghiệp trước, còn điều kiện về ngành nghề kinh doanh, thì tổ chức, cá nhân đó phải tuân thủ đầy đủ mới được làm. Quy định này tạo sự thân thiện hơn cho khởi nghiệp và kinh doanh nói chung.

Luật DN năm 2014 đã bỏ quy định về việc doanh nghiệp phải hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, mà chỉ quy định về việc đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.

Theo đó, doanh nghiệp chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh (doanh nghiệp thực hiện rồi gửi Thông báo đến cơ quan ĐKKD để cập nhật). » Baohodoanhnghiep

Như vậy, sẽ không còn khái niệm “kinh doanh trái phép” bởi vì hiện nay doanh nghiệp có quyền được tự do kinh doanh, miễn là phù hợp theo pháp luật chứ không còn là “trái phép” (ngành nghề chưa được ghi trong Giấy CNĐKDN) theo như các quy định trước đây.

Ba là, cách tiếp cận mới hoàn toàn về con dấu doanh nghiệp, mang tính “cách mạng”.

Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Thay vì phải đăng ký với cơ quan Công an như trước đây, doanh nghiệp chỉ cần gửi Thông báo mẫu dấu tới Cơ quan Đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Quy định này giúp doanh nghiệp đỡ phiền hà, tạo quyền tự chủ cho doanh nghiệp.

Bốn là, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, như:

– Việc luật hóa Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

– Quy định cuộc họp được ghi biên bản và có thể ghi âm hoặc ghi và lưu giữ dưới hình thức điện tử khác đã có bước tiến bộ vượt bậc so với quy định cũ là chỉ ghi vào sổ biên bản.

– Luật cũng thống nhất cách hiểu về nhiều điểm mà trước đây gây nhiều tranh cãi như việc chốt lại địa điểm họp được xác định là nơi chủ tọa tham dự họp, mọi người không nhất thiết phải cùng ngồi họp một chỗ.

Năm là, về công tác tổ chức, quản lý của doanh nghiệp:

– Cho phép các công ty có cùng bản chất (có thể khác loại hình thức tổ chức) có thể hợp nhất, sáp nhập, chia, tách; cho phép chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH.

– Cho phép Công ty TNHH một thành viên, Công ty cổ phần được giảm vốn điều lệ; cổ đông được công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 02 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp (Theo Luật 2005: Cổ đông không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần).

– Chính thức thay đổi theo đúng thông lệ quốc tế khi giảm tỷ lệ dự họp từ 65% (Luật cũ) xuống còn 51%. Khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết là cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành.

– Bãi bỏ việc Đại hội đồng cổ đông bầu trực tiếp Chủ tịch hội đồng quản trị (Giao Hội đồng quản trị bầu Chủ tịch).

– Hạn chế sở hữu chéo, trong đó quy định 03 điều kiện cụ thể:

+ Công ty con không được góp vốn, mua cổ phần công ty mẹ;

+ Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau;

+ Các công ty con của cùng một công ty mẹ mà trong đó Nhà nước sở hữu >65% vốn điều lệ không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp.

– Luật DN năm 2014 áp dụng thống nhất thời hạn phải thanh toán đủ phần vốn góp khi thành lập doanh nghiệp, quy định rút ngắn thời hạn góp vốn đối với chủ sở hữu, thành viên công ty TNHH trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (trước đây quy định thời hạn góp vốn tối đa đối với Công ty TNHH một thành viên và hai thành viên trở lên là 36 tháng).

Sáu là, tách riêng thủ tục thành lập doanh nghiệp với thủ tục về đầu tư dự án theo Luật Đầu tư

Cùng với Luật Đầu tư 2014, Luật DN mới đã chính thức bãi bỏ nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có thể đồng thời là Giấy CNĐKDN. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam đều phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau đó sẽ thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp (như đối với doanh nghiệp trong nước).

Bảy là, điểm mới trong quản lý doanh nghiệp nhà nước:

Luật DN 2014 bổ sung một chương hoàn toàn mới về doanh nghiệp nhà nước. Đây là nội dung lâu nay chưa có luật nào quy định cụ thể.

Luật DN 2005 quy định: Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, thì nay Luật Doanh nghiệp 2014 sửa đổi quy định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Tám là, quy định mới về doanh nghiệp xã hội

Theo đó, doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật DN, mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng và sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của DN để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.

Chín là, Luật Doanh nghiệp 2014 đã rút ngắn thời hạn xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp còn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ (Luật Doanh nghiệp 2005 là 10 ngày làm việc).

Mười là, Luật doanh nghiệp 2014 quy định chỉ còn 5 trường hợp bị thu hồi Giấy GCNĐKDN so với 8 trường hợp của Luật cũ.

(1) Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo;

(2) Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp;

(3) Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế;

(4) Doanh nghiệp không gửi báo cáo đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản;

(5) Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án.

Quy định trước đây có thêm 03 trường hợp:

– Không đăng ký mã số thuế trong thời hạn một năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

– Không hoạt động tại trụ sở đăng ký trong thời hạn sáu tháng liên tục, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận thay đổi trụ sở chính;
– Kinh doanh ngành, nghề bị cấm.

» Đăng ký doanh nghiệp

» Một số quy định mới trong Luật Phá Sản