Quy định về thỏa thuận trọng tài thương mại

Quy định về thỏa thuận trọng tài thương mại. Khái niệm, hình thức, hiệu lực của thỏa thuận trọng tài thương mại như thế nào?

Hiện nay, hình thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại (TTTM) nói chung, về thỏa thuận TTTM nói riêng được quy định tại Luật TTTM năm 2010. Theo đó, TTTM là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật trên. Luật TTTM 2010 đã quy định rất cụ thể về thỏa TTTM bao gồm các vấn đề cơ bản sau: Khái niệm thỏa thuận trọng tài (Khoản 2 Điều 3); Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài (Điều 5); Tòa án từ chối thụ lý trong trường hợp có thỏa thuận trọng tài (Điều 6); Hình thức thỏa thuận trọng tài (Điều 16); Quyền lựa chọn giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng (Điều 17); Thỏa thuận trọng tài vô hiệu (Điều 18); Tính độc lập của thỏa thuận trọng tài (Điều 19). Thẩm quyền xem xét và việc xem xét của Hội đồng trọng tài về thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được (Điều 43); Khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về việc không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được (Điều 44)….

Ngoài ra, vấn đề này còn được quy định tại Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao ngày 20/3/2014 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật TTTM 2010, cụ thể: Thỏa thuận trọng tài vô hiệu quy định tại Điều 6 và Điều 18 (Điều 3); Thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được quy định tại Điều 6 Luật TTTM 2010 (Điều 4); Về thỏa thuận trọng tài quy định tại Điều 16 Luật TTTM 2010(Điều 7); Hướng dẫn Điều 44 Luật TTTM 2010 (Điều 10)…..

1. Khái niệm thỏa thuận TTTM

Khoản 2 Điều 3 Luật TTTM 2010 đã quy định cụ thể như sau: “Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh”. Theo đó:

– Thỏa thuận trọng tài được hình thành dựa trên ý chí tự nguyện của các bên, có sự thống nhất giữa ý chí (mong muốn bên trong) và sự thể hiện ý chí (hình thức bên ngoài) về việc sử dụng hình thức trọng tài để giải quyết tranh chấp. Điều này được đưa ra xuất phát từ bản chất của sự thỏa thuận.

– Các bên có thể thỏa thuận trọng tài trước hoặc sau khi phát sinh tranh chấp. Điều này được cụ thể hóa tại Khoản 1 Điều 5 Luật TTTM 2010: “Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước  hoặc sau khi xảy ra tranh chấp”.

2. Hình thức thỏa thuận TTTM

Điều 16 Luật TTTM 2010 đã quy định rõ:“Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng”. Theo đó, thỏa thuận trọng tài có thể tồn tại dưới một trong hai hình thức:

– Là điều khoản trong hợp đồng: Các bên kí kết hợp đồng đồng thời ghi nhận luôn về việc giải quyết tranh chấp bằng TTTM là một điều khoản trong hợp đồng đó. Ví dụ: Công ty A và công ty B kí hợp đồng mua bán gạo, tại Điều 23 hợp đồng này chỉ rõ: “Mọi tranh chấp có liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng TTTM”.

– Thỏa thuận riêng: Các bên kí kết hợp đồng không ghi nhận việc giải quyết tranh chấp bằng TTTM thành một điều khoản của hợp đồng mà ghi nhận thỏa thuận này trong một văn bản hoàn toàn tách biệt với tên gọi thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng TTTM hợp đồng đã kí trước đó. Ví dụ: Công ty A và công ty B nói trên kí thỏa thuận về giải quyết tranh chấp bằng TTTM các vấn đề phát sinh từ hợp đồng mua bán gạo giữa hai công ty nói trên.

Mặt khác, thỏa thuận TTTM không thể tồn tại dưới hình thức lời nói hoặc hành vi mà phải được xác lập dưới hình thức văn bản, bao gồm cả:

– Thỏa thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;

– Thỏa thuận được xác lập qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;

– Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;

– Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;

– Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.

3. Hiệu lực của thỏa thuận TTTM

Hình thức giải quyết tranh chấp bằng TTTM chỉ được áp dụng khi các bên có thỏa thuận TTTM và thỏa thuận này phải có hiệu lực. Trên cơ sở những quy định tại Luật TTTM 2010, thỏa thuận trọng tài chỉ được xem là có hiệu lực khi thỏa thuận này không vô hiệu (Điều 18) đồng thời không thuộc trường hợp không thể thực hiện được (Điều 6).

– Thỏa thuận TTTM không vô hiệu

Điều 18 Luật TTTM 2010 quy định cụ thể 6 trường hợp thỏa thuận trọng tài được xem là vô hiệu. Bên cạnh đó, vấn đề này còn được quy định tại Điều 3 Nghị quyết 01/2014 của HĐTPTANDTC. Theo đó, thỏa thuận trọng tài chỉ được xem là không vô hiệu khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

Thứ nhấtvề đối tượng của thỏa thuận trọng tài (Khoản 1 Điều 18 Luật TTTM 2010, Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 01/2014): Thỏa thuận trọng tài chỉ được xem là có hiệu lực khi có tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của TTTM. Điều 2 Luật TTTM 2010 đã quy định cụ thể gồm ba loại tranh chấp:

+ Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại;

+ Tranh chấp giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại;

+ Tranh chấp khác theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, Khoản 1 Điều 3 Luật thương mại 2005 quy định: “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”.

Thứ hai, về chủ thể kí kết thỏa thuận trọng tài (Khoản 2, Khoản 3 Điều 18 Luật TTTM 2010, Khoản 2,3 Điều 3 Nghị quyết 01/2014):

+ Thỏa thuận trọng tài chỉ có hiệu lực khi các bên kí kết có thẩm quyền kí kết. Đối với cá nhân phải là người trực tiếp trong quan hệ tranh chấp hoặc người được họ ủy quyền (Ghi nhận thẩm quyền ký kết trong văn bản ủy quyền). Đối với pháp nhân, người xác lập phải là người đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền trong phạm vi ủy quyền) của pháp nhân. Về nguyên tắc, thỏa thuận trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập thì thỏa thuận trọng tài đó vô hiệu tuy nhiên trong trường hợp thỏa thuận này được người có thẩm quyền xác lập chấp nhận hoặc đã biết mà không phản đối thì thỏa thuận trọng tài không vô hiệu.

+ Người xác lập thỏa thuận trọng tài phải có NLHVDS theo quy định, cụ thể:

Đối với chủ thể ký kết là cá nhân: Phải có NLHVDS đầy đủ, không bị mất hay hạn chế NLHVDS;

Đối với chủ thể ký kết là pháp nhân: Do đặc trưng việc tham gia vào quan hệ pháp luật của chủ thể này phải thông qua người đại diện hợp pháp nên khi xem xét NLHVDS của chủ thể này căn cứ vào cả năng lực chủ thể của cả pháp nhân và cá nhân là người đại diện hợp pháp của pháp nhân. Cụ thể, đối với pháp nhân, xem xét pháp nhân có phải là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân hay không?… đối với cá nhân xem xét người này có phải là đại diện hợp pháp của pháp nhân hay không? Có được pháp nhân quy định thẩm quyền kí kết thỏa thuận về giải quyết tranh chấp hay không?…

Thứ ba, về hình thức thỏa thuận trọng tài (Khoản 4 Điều 18 Luật TTTM 2010, Khoản 4 Điều 3 Nghị quyết 01/2014): Hình thức là sự thể hiện bên ngoài của thỏa thuận trọng tài, là bằng chứng chứng minh, khẳng định sự tồn tại của thỏa thuận trọng tài trên thực tế. Thỏa thuận trọng tài chỉ được xem là có hiệu lực khi hình thức của nó phù hợp với quy định tại Điều 16 Luật TTTM 2010. Theo đó thỏa thuận trọng tài có thể được lập dưới hình thức điều khoản trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng và bắt buộc phải được xác lập dưới dạng văn bản.

Thứ tư, về nguyên tắc xác lập thỏa thuận trọng tài(Khoản 5 Điều 18 Luật TTTM 2010, Khoản 5 Điều 3 Nghị quyết 01/2014): Thỏa thuận trọng tài phải được xác lập dựa trên nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận. Nghĩa là ý chí và sự thể hiện ý chí của các bên phải có sự thống nhất với nhau. Nói một cách cụ thể, nó phải được xác lập mà không thuộc trường hợp một trong các bên bị đe dọa, lừa dối, cưỡng ép.

Thứ năm, về nội dung, mục đích của thỏa thuận trọng tài (Khoản 6 Điều 18 Luật TTTM 2010, Khoản 6 Điều 3 Nghị quyết 01/2014): Thỏa thuận trọng tài chỉ được xem là có hiệu lực khi không vi phạm điều cấm của pháp luật (Khoản 6 Điều 18) và không trái đạo đức xã hội (Điều 4 Luật TTTM 2010). Điều 128 Bộ luật dân sự 2005định nghĩa: “Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định; Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng”.

– Thỏa thuận TTTM có thể thực hiện được

Như đã phân tích, TTTM là phương thức giải quyết tranh chấp chỉ được áp dụng khi có thỏa thuận và thỏa thuận này có hiệu lực. Điều 6 Luật TTTM 2010 quy định cụ thể: “Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được”. Nói như vậy có nghĩa là khi đã có thỏa thuận thì việc giải quyết tranh chấp thuộc thẩm quyền của TTTM, nếu một trong các bên khởi kiện ra Tòa thì Tòa án phải từ chối thụ lý, chỉ khi thỏa thuận này không có hiệu lực thì mới thuộc thẩm quyên của Tòa án. Theo quy định trên, Tòa án chỉ thụ lý đơn khởi kiện trong trường hợp đã có thỏa thuận trọng tài nhưng thỏa thuận này vô hiệu hoặc không thể thực hiện được. Như vậy, ngoài trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu quy định tại Điều 18 Luật TTTM 2010 thì thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được cũng được xem là một trường hợp thỏa thuận trọng tài không có hiệu lực. Vấn đề này được quy định tại Khoản 3,4,5 Điều 43 Luật TTTM 2010, đặc biệt Điều 4 Nghị quyết 01/2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định cụ thể, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được là thỏa thuận trọng tài thuộc một trong 5 trường hợp:

+ Các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp;

+ Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lực chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp hoặc Trung tâm trọng tài, Tòa án không thể tìm được Trọng tài viên như các bên thỏa thuận và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác thay thế;

+ Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, Trọng tài viên từ chối việc được chỉ định hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế;

+ Các bên có thỏa thuận giải quyết tại một trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác với Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đã thỏa thuận và điều lệ của Trung tâm trọng tài do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp không cho phép áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác và các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế;

+ Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hóa, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn quy định tại Điều 17 Luật TTTM 2010 nhưng khi phát sinh tranh chấp người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp.

– Tính độc lập của thỏa thuận trọng tài

Điều 19 Luật TTTM 2010 chỉ rõ: “Thỏa thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thỏa thuận trọng tài”. Có thể nói đây là một quy định rất hợp lí đảm bảo cho mọi tranh chấp phát sinh đều được giải quyết kể cả khi hợp đồng vô hiệu.

– Một số trường hợp đặc biệt về hiệu lực thỏa thuận TTTM

Điều 7 Nghị quyết 01/2014 đã đưa ra một số trường hợp đặc biệt, cần lưu ý cụ thể:

+ Trường hợp có nhiều thỏa thuận trọng tài được xác lập đối với cùng một nội dung tranh chấp thì thỏa thuận trọng tài được xác lập hợp pháp sau cùng theo thời gian có giá trị áp dụng;

+ Trường hợp thỏa thuận trọng tài có nội dung không rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự 2005 để giải thích;

+ Khi có sự chuyển giao quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch, hợp đồng mà trong giao dịch, hợp đồng đó các bên có xác lập thỏa thuận trọng tài hợp pháp thì thỏa thuận trọng tài trong giao dịch, hợp đồng vẫn có hiệu lực đối với bên được chuyển giao và bên nhận chuyển giao, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

+ Việc gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp để giải quyết tranh chấp trong cùng một vụ kiện được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Các bên thỏa thuận đồng ý gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp vào giải quyết trong cùng một vụ kiện; Quy tắc tố tụng trọng tài cho phép gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp vào giải quyết trong cùng một vụ kiện.

Ngoài ra còn có một số trường hợp quy định tại Khoản 2,3 Điều 5 và Điều 17 Luật TTTM 2010, bao gồm:

+ Quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng;

+ Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất NLHV, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

+ Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, giải thể, phá sản, hợp nhất, sáp nhập, chia tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của tổ chức đó trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

– Xem xét hiệu lực của thỏa thuận TTTM

Thẩm quyền xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài thuộc về Hội đồng trọng tài. Trong trường hợp Hội đồng trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo sự thỏa thuận của các bên xem xét thỏa thuận trọng tài, xét thấy thỏa thuận đó có hiệu lực thì Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp xét thấy thỏa thuận đó không có hiệu lực (Vô hiệu hoặc không thể thực hiện được) thì Hội đồng trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết và thông báo ngay cho các bên biết. Các bên có quyền khởi kiện ra Tòa án để giải quyết trừ trường hợp các bên đã có thỏa thuận trọng tài nhưng không chỉ rõ hình thức trọng tài hoặc không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể thì khi có tranh chấp, các bên phải thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp. Nếu không thỏa thuận được thì việc lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn.

– Khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về hiệu lực của thỏa thuận trọng tài

+ Chủ thể có quyền khiếu nại: các bên tranh chấp;

+ Chủ thể có thẩm quyền giải quyết: Tòa án;

+ Thời hạn: 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định của Hội đồng trọng tài

+ Hình thức: đơn khiếu nại bao gồm 3 nội dung cơ bản: Ngày tháng năm làm đơn khiếu nại; Tên, địa chỉ của bên khiếu nại;Nội dung yêu cầu.

Bên cạnh đó phải gửi kèm đơn khiếu nại bản sao đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài, quyết định của Hội đồng trọng tài. Trường hợp giấy tờ kèm theo tiếng nước ngoài thì phải dịch ra tiếng Việt, được chứng thực hợp lệ.

+ Thời hạn ra quyết định của Tòa án: 15 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại;

+ Phương pháp giải quyết: Quy định cụ thể các trường hợp tại Khoản 5 Điều 10 Nghị quyết 01/2014.

» Luật sư bảo vệ đương sự tại trung tâm trọng tài