Quy định về việc xử phạt buôn bán sách lậu. Hiện nay, việc buôn bán sách lậu diễn ra công khai và theo như thông tin truyền thông cung cấp thì cơ quan công an mới bắt và tịch thu được một số lượng lớn sách in lậu tại một cơ sở. Thưa luật sư, pháp luật quy định chế tài xử phạt như thế nào đối với hành vi in ấn, buôn bán sách lậu? Hoàng Văn Mạnh (Cầu Giấy, Hà Nội)
Luật sư Đặng Thành Chung trả lời:
Quy định của pháp luật về việc xử phạt buôn bán sách lậu:
Hiện nay, hành vi in ấn, buôn bán sách lậu có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ, tính chất cũng như những hậu quả mà hành vi gây ra.
Thứ nhất, về trách nhiệm hành chính:
– Tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản quy định như sau:
“Điều 24. Vi phạm quy định về hoạt động in
7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) In xuất bản phẩm không có quyết định xuất bản;
b) In tài liệu kinh doanh không có giấy phép xuất bản;
c) In gia công xuất bản phẩm, sản phẩm không phải là xuất bản phẩm cho nước ngoài không có giấy phép in gia công.
Điều 27. Vi phạm quy định về tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm và sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tàng trữ, phát hành, xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp dưới 50 bản;
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp từ 50 bản đến dưới 100 bản;
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
c) Tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp từ 100 bản đến dưới 300 bản;
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp từ 300 bản trở lên;
Tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn và phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi hoặc tiêu hủy xuất bản phẩm, sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.
– Ngoài ra, tại Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan quy định như sau:
“Điều 18. Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này”.
Thứ hai, về trách nhiệm hình sự: Tổ chức, cá nhân có hành vi nếu thỏa mãn đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm của các tội danh sau thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại Điều 225 BLHS
“1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm:
a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình”.
– Tội vi phạm quy định về hoạt động xuất bản quy định tại Điều 344 BLHS:
“1. Người nào vi phạm quy định về hoạt động xuất bản thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:
a) In 2.000 bản trở lên đối với từng xuất bản phẩm mà không có quyết định xuất bản, không có giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh hoặc không có bản thảo đã được ký duyệt theo quy định của pháp luật;
b) Xuất bản, in hoặc phát hành xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, bị thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy hoặc nhập khẩu trái phép với số lượng 500 bản trở lên đối với từng xuất bản phẩm;
c) Xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử có nội dung bị cấm, không có quyết định xuất bản hoặc không có bản thảo đã được ký duyệt theo quy định của pháp luật”.
Luật sư Công ty luật TNHH An Ninh trả lời trên anninhthudo.vn
» Tăng cường quản lý và thực thi pháp luật bảo hộ quyền tác giả