Sa thải lao động vì lý do nghỉ đẻ là không có cơ sở trong quy định của luật
Câu hỏi: Tôi ký hợp đồng lao động với Công ty X. từ năm 2017. Tháng 5-2018, tôi nghỉ đẻ. Hết nghỉ thai sản, 12-2018 tôi tiếp tục đi làm bình thường. Tuy nhiên sau khi nghỉ Tết, cuối tháng 2-2019, công ty tiến hành kỷ luật tôi bằng hình thức sa thải mà không nêu rõ lý do, tôi đã nhiều lần yêu cầu được làm việc với giám đốc nhưng không được chấp thuận. Thưa luật sư, hành vi của Công ty X. có phải chịu trách nhiệm của pháp luật không? Trần Thúy Hằng (Hòa Đức, Hà Nội)
Câu trả lời của Luật sư Đặng Thành Chung – Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh (Phòng 305 – Tòa nhà số 8 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội)
Luật sư Đặng Thành Chung trả lời: Khoản 4, Điều 123, Bộ luật Lao động quy định nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động như sau:
4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:
a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;
b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;
c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1, Điều 126 của Bộ luật này;
d) Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi”.
Sa thải là một trong các hình thức xử lý kỷ luật lao động. Trường hợp của bạn, bạn nghỉ đẻ tháng 5-2018, do đó tính đến tháng 5-2019 bạn thuộc đối tượng người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Công ty X. áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với bạn từ tháng 2-2019, thời điểm này bạn vẫn thuộc trường hợp người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật lao động theo khoản 4, Điều 123, Bộ luật Lao động.
Như vậy, hành vi sa thải bạn của Công ty X. là trái với quy định của pháp luật.
Với vi phạm trên, Công ty X. có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 18, Nghị định 95/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Mặt khác, tại Điều 162, Bộ luật Hình sự quy định như sau:
“Điều 162. Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật.
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm:
a) Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức;
b) Sa thải trái pháp luật đối với người lao động;
c) Cưỡng ép, đe dọa buộc công chức, viên chức, người lao động phải thôi việc.
Tuy nhiên, để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này thì cần phải chứng minh người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý và với động cơ vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Hành vi này phải gây hậu quả nghiêm trọng là làm cho người bị sa thải hoặc gia đình của họ lâm vào tình trạng khó khăn, dẫn đến đình công.
Luật sư Đặng Thành Chung – Giám đốc Công ty luật An Ninh trả lời trên báo anninhthudo.vn