Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của Doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của Doanh nghiệp, kể cả chức năng đại diện theo uỷ quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải phù hợp với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo uỷ quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và thực hiện việc bảo vệ các lợi ích đó. Nội dung hoạt động của văn phòng đại diện phải phù hợp với nội dung hoạt động của doanh nghiệp (Văn phòng đại diện không được thực hiện các hoạt động kinh doanh).
1. Giống nhau
– Đều là đơn vị phụ thuộc của một doanh nghiệp nào đó( ngân hàng, tổ chức kinh doanh, công ty..)
– Không có tư cách pháp nhân
– Hoạt động nhân danh chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc người đứng đầu tổ chức đó.
– Thừa sự ủy quyền của chủ doanh nghiệp hoặc người đứng đầu tổ chức.
2. Khác nhau
– Chi nhánh công ty
– Chi nhánh của một doanh nghiệp được tổ chức và hoạt động trong đơn vị phạm vi ranh giới quốc gia(có thể là ranh giới của huyện, tỉnh, hay của một xã trong lãnh thổ quốc gia)
– Chi nhánh được phép thực hiện các công việc, nghiệp vụ như doanh nghiệp mẹ của mình.
VD: Công ty A chuyên bán quần áo thì chi nhánh cũng được phép hoạt động bán quần áo. Ngân hàng nhà nước thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng thì chi nhánh ngân hàng huyện cũng được phép thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng đó.
– Văn phòng đại diện hoạt động theo khu vực, có thể ngoài phạm vi lãnh thổ quốc gia, tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp, tổ chức.
– Văn phòng đại diện của doanh nghiệp không được phép thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến doanh nghiệp mẹ.
VD: doanh nghiệp A chuyên sản xuất sữa uống để bán trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài, doanh nghiệp mở văn phòng đại diện ở Lào, tại văn phòng này thì doanh nghiệp A chỉ được phép thực hiện các hoạt động của doanh nghiệp với tư cách đại diện cho doanh nghiệp đó, chứ không được phép sản xuất cũng như kinh doanh như chi nhánh.