Sự khác nhau hợp của đồng dân sự và hợp đồng thương mại và những hệ quả pháp lý.
Việc xác định một hợp đồng là hợp đồng dân sự hay hợp đồng thương mai có ý nghĩa khá quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của các bên tham gia vì luật điều chỉnh cho 2 loại hợp đồng này là khác nhau. việc xác định đó là loại hợp đồng nào là do bản chất của hợp đồng quyết định (chủ thể, mục đích ký kết) chứ không phải do ý trí chủ quan của người ký. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn còn lầm lẫn về vấn đề này, rất nhiều doanh nghiệp cứ hễ ký hợp đồng là ghi thẳng “Hợp đồng kinh tế’ hoặc “Hợp đồng thương mại” và nghĩ rằng “nó” sẽ là hợp đồng thương mại.
1. Những điểm giống nhau giữa hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại:
– Đều là những giao dịch có bản chất dân sự, thiết lập dựa trên sự tự nguyện, bình đẳng và thỏa thuận của các bên;
– Đều hướng tới lợi ích của mỗi bên và lợi ích chung của các bên tham gia giao kết hợp đồng;
– Hai loại hợp đồng này có một số điều khoản tương tự như:
Điều khoản về chủ thể; đối tượng của hợp đồng; giá cả; quyền và nghĩa vụ của các bên; phương thức thực hiện; phương thức thanh toán; giải quyết tranh chấp phát sinh nếu có.
– Về hình thức của hợp đồng:
+ Một số hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại có thể giao kết bằng miệng (thực hiện chủ yếu qua sự tín nhiệm, giao dịch được thực hiện ngay hoặc những giao dịch đơn giản, có tính phổ thông, đối tượng giao dịch có giá trị thấp);
+ Hoặc bằng văn bản (được thực hiện chủ yếu ở những giao dịch phức tạp, đối tượng của hợp đồng có giá trị lớn hoặc do pháp luật quy định phải thực hiện bằng văn bản như: Vay tiền tại tổ chức tín dụng, bảo hiểm… (nhưng không có mục đích lợi nhuận). Đối với hình thức hợp đồng này tùy từng hợp đồng cụ thể pháp luật quy định bắt buộc phải công chứng hoặc thị thực mới hợp lệ (như mua bán nhà ở, chuyển nhượng quyền sử dụng đất…). Ngoài ra những trường hợp pháp luật không quy định bắt buộc phải công chứng thì các bên vẫn có thể thỏa thuận công chứng hoặc có sự chứng kiến của người làm chứng nhằm làm cho hợp đồng có giá trị pháp lý cao.
Các loại văn bản cũng được coi là hợp đồng nếu hai bên giao kết gián tiếp bằng các tài liệu giao dịch như:
Công văn, điện báo, đơn chào hàng, đơn đặt hàng và được sự đồng ý của bên kia với nội dung phản ảnh đầy đủ các nội dung chủ yếu cần có và không trái pháp luật thì được coi là hợp lệ.
+ Hợp đồng cũng có thể được giao kết bằng hành vi cụ thể:
Thông thường đây là một dạng quy ước đã hình thành trên cơ sở thông lệ mà các bên đã mặc nhiên chấp nhận.
2. Những điểm khác nhau (nhằm phân biệt hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh doanh- thương mại):
– Về chủ thể giao kết hợp đồng:
Đối với hợp đồng dân sự: Chủ thể là các cá nhân, tổ chức (có thể có hoặc không có tư cách pháp nhân).
Trong khi đó, đối với hợp đồng thương mại, chủ thể phải là cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh (thương nhân). Như vậy, cần lưu ý về tư cách chủ thể khi thiết lập các giao dịch thương mại (tư cách thương nhân, tư cách pháp nhân, người đại diện hợp pháp…) nhằm tránh trường hợp hợp đồng thương mại vô hiệu do không hợp pháp về chủ thể.
– Về mục đích của hợp đồng:
Hợp đồng dân sự nhằm mục đích tiêu dùng trong khi mục đích hướng tới của hợp đồng thương mại chính là lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh thương mại.
Việc xác định một hợp đồng có hay không mục đích kinh doanh thương mại có ý nghĩa đối với việc xác định văn bản pháp luật áp dụng điều chỉnh cho phù hợp (ví dụ hợp đồng chịu sự điều chỉnh của Bộ luật dân sự và các văn bản hướng dẫn hay Luật thương mại, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư…).
– Về một số điều khoản của hợp đồng:
Một số điều khoản của hợp đồng thương mại có nhưng hợp đồng dân sự không có như: Điều khoản vận chuyển hàng hóa; điều khoản bảo hiểm;…
– Về cơ quan giải quyết tranh chấp:
Đối với tranh chấp thương mại phát sinh, nếu các bên không tự giải quyết được thì có thể nhờ cơ quan tòa án hoặc trọng tài giải quyết theo sự lựa chọn của các bên. Trong khi đó, đối với tranh chấp dân sự trọng tài không có thẩm quyền giải quyết mà các bên chỉ có thể đưa ra cơ quan tòa án.
– Một số giao dịch dân sự và giao dịch thương mại phổ biến đối với doanh nghiệp:
Giao dịch dân sự:
Hợp đồng thuê trụ sở; kho bãi; nhà xưởng; hợp đồng thuê tài sản; hợp đồng mua trang thiết bị sử dụng nội bộ doanh nghiệp; hợp đồng xây dựng, sửa chữa…
Giao dịch thương mại: Hợp đồng cung ứng dịch vụ; hợp đồng mua bán hàng hóa…
» Tư vấn đàm phán nội dung hợp đồng
» Tư vấn soạn thảo hợp đồng kinh tế