Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội

Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định của BLTTHS 2015.

Nhằm đảm bảo việc xử lý người chưa thành niên phạm tội được khách quan, chính xác, nhân đạo, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung mới đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Thủ tục iến hành tố tụng đối với người chưa thành niên được quy định tại Chương XXVIII trong BLTTHS 2015 với tên gọi là: “Thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi” gồm 18 Điều (từ Điều 423 đến Điều 430). Các quy định về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên trong BLTTHS 2015 được thể hiện trên các điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, về việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại:

BLTTHS 2003 không có quy định về cách xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi. Do vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết. BLTTHS 2015 đã bổ sung quy định mới để xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi đảm bảo phù hợp với nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội là người chưa thành niên. Theo đó: Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó là ngày sinh; trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh; trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh; trường hợp xác định được năm nhưng không xác định ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh (Khoản 2 Điều 417). Trong mọi trường hợp nếu không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi (Khoản 3 Điều 417).

Thứ hai, quy định về trách nhiệm giám sát đối với người bị buộc tội:

Nhằm đảm bảo việc áp dụng biện pháp giám sát người chưa thành niên phạm tội có hiệu quả, đúng pháp luật, BLTTHS 2015 bổ sung xác định rõ trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người đại diện trong việc giao và thực hiện giám sát đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, đó là: Trường hợp người dưới 18 tuổi có dấu hiệu bỏ trốn hoặc có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này hoặc tiếp tục phạm tội thì người được giao nhiệm vụ giám sát phải kịp thời thông báo và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời (Khoản 2 Điều 418).

Thứ ba, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế:

Điều 419 BLTTHS 2015 đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định chặt chẽ các căn cứ, điều kiện nhằm hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người chưa thành niên phạm tội, đó là:

– Chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp áp giải trong trường hợp thật cần thiết. Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả. Lưu ý, thời hạn tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi bằng 2/3 thời hạn tạm giam đối với người đủ tuổi 18 trở lên.

– Căn cứ, điều kiện áp dụng các biện pháp ngăn chặn giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam:

(1) Người đủ từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ có thể bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS 2015 nếu có căn cứ giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã và các căn cứ tạm giam quy định tại các điều 110, 111, 112 và điểm a, b, c, d, đ khoản 2 Điều 119 BLTTHS 2015.

(2) Người đủ từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng nếu có căn cứ giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạmtội quả tang hoặc đang bị truy nã và các căn cứ tạm giam quy định tại các điều 110, 111, 112 và các điểm a, b, c, d, đ khoản 2 Điều 119 BLTTHS 2015.

(3) Bị can, bị cáo từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội nghiêm trọng do vô ý, tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù đến 02 năm thì cũng có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu họ tiếp tục phạm tội, bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.

– Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam thì người ra các lệnh trên phải thông báo cho người đại diện của họ biết.

Thứ tư, về quyền của người đại diện, nhà trường, tổ chức:

Nhằm bảo đảm cho sự trợ giúp cần thiết cho người chưa thành niên và để việc giải quyết vụ án được chính xác, khách quan, Điều 420 BLTTHS 2015 quy định đầy đủ hơn so với Điều 306 BLTTHS 2003 về các quyền khi tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường, tổ chức của người chưa thành niên, đó là:

– Người đại diện của người dưới 18 tuổi được tham gia việc lấy lời khai, hỏi cung người dưới 18 tuổi; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu, khiếu nại, tố cáo; đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu liên quan đến việc buộc tội người dưới 18 tuổi trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra.

– Người đại diện của người dưới 18 tuổi, thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt khi tham gia phiên tòa có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; phát biểu ý kiến tranh luận; khiếu nại các hành vi tố tụng.

Thứ năm, về thủ tục lấy lời khai, hỏi cung, đối chất:

Nhằm bảo đảm các thủ tục lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng; hỏi cung bị can; đối chất người chưa thành niên được đúng quy định pháp luật, tránh bị xâm hại, Điều 421 BLTTHS 2015 quy định thủ tục lấy lời khai, hỏi cung, đối chất người chưa thành niên như sau:

– Khi lấy lời khai, hỏi cung người dưới 18 tuổi thì phải thông báo trước thời gian, địa điểm cho người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ biết. Việc lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, hỏi cung bị can phải có mặt người bào chữa hoặc đại diện của họ. Việc lấy lời khai người bị hại, người làm chứng phải có người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ tham dự. Người bào chữa, người đại diện có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can là người dưới 18 tuối nếu được ĐTV, KSV đồng ý. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa, người đại diện có thể hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can.

– Thời gian lấy lời khai, hỏi cung người dưới 18 tuổi không quá 02 lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp: (1) lấy lời khai trong vụ án có nhiều tình tiết phức tạp; (2) hỏi cung bị can phạm tội có tổ chức; để truy bắt người phạm tội khác đang bỏ trốn; ngăn chặn người khác phạm tội; để truy tìm công cụ, phương tiện phạm tội hoặc vật chứng khác của vụ án; hoặc vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.

– Chỉ tiến hành đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo để làm sáng tỏ tình tiết của vụ án trong trường hợp nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án.

Thứ sáu, về quyền bào chữa:

Nhằm đảm bảo sự cụ thể, chặt chẽ về thủ tục, trình tự bào chữa đối với người chưa thành niên, Điều 422 BLTTHS 2015 quy định rõ việc bào chữa như sau: Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Người đại diện của người dưới 18 tuổi bị buộc tội có quyền lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội. Nếu họ không có người bào chữa hoặc người đại diện của họ không lựa chọn người bào chữa thì CQĐT, VKS, TA phải chỉ định người bào chữa.

Thứ bảy, về thủ tục xét xử (Điều 423):

– Về thành phần HĐXX sơ thẩm, ngoài giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên thì có bổ sung đối tượng là người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi tham gia với tư cách là Hội thẩm.

– Quy định cụ thể trường hợp đặc biệt cần bảo vệ bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi thì Tòa án có thể xử kín. Nhằm đảm bảo sự khách quan, tạo điều kiện trợ giúp tốt hơn về mặt tâm lý cho người dưới 18 tuổi thì phiên tòa phải có mặt người đại diện của bị cáo, đại diện của nhà trường, tổ chức nơi bị cáo học tập, sinh hoạt…

– Việc xét hỏi, tranh luận với bị cáo, bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi tại phiên tòa phải được tiến hành phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển của họ; phòng xử án được bố trí thân thiện, phù hợp… Vụ án có bị hại, người làm chứng dưới 18 tuổi, HĐXX phải hạn chế việc tiếp xúc giữa bị hại, người làm chứng với bị cáo khi bị hại, người làm chứng trình bày lời khai. Chủ tọa phiên tòa có thể yêu cầu người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hỏi bị hại, người làm chứng.

– Biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội chỉ có duy nhất biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng. Nếu thấy không cần thiết phải quyết định hình phạt, HĐXX áp dụng biện pháp này.

– Chánh án TAND tối cao quy định chi tiết việc xét xử vụ án có người dưới 18 tuổi của Tòa gia đình và người chưa thành niên./.

Theo vksbacgiang.gov.vn

» Luật sư bào chữa