Nội dung phần tư vấn của Luật sư, công ty luật chúng tôi với chủ đề Mở văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, chương trình được phát sóng trên truyền hình Netviet, kênh VTC10.
Sau đây là nội dung tư vấn thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài:
Tôi là một Việt Kiều tại Hoa Kỳ, tôi có mở một công ty về thiết kế đồ gỗ và có trụ sở ở bang Florida Hoa Kỳ, tôi muốn mở một văn phòng đại diện tại Việt Nam, cụ thể là tại thành phố Hồ Chí Minh.
Câu hỏi: Điều kiện để cấp phép văn phòng đại diện là gì?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 06/2016 quy định chi tiết luật thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh thương nhân nước ngoài thì thương nhân nước ngoài đáp ứng các điều kiện sau thì được cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện.
1. Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;
2. Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 01 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký;
3. Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ;
4. Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện phải phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
5. Trường hợp nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Văn phòng đại diện phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành (sau đây gọi chung là Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành).
Vì vậy, căn cứ vào nội dung nêu trên, nếu công ty của bạn mới thành lập, chưa hoạt động được một năm thì không thể thành lập văn phòng đại diện, trong trường hợp đã hoạt động hơn một năm thì có thể thành lập.
Câu hỏi: Ai có thẩm quyền cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện?
Trả lời: Các cơ quan sau đây sẽ là cơ quan cấp phép thành lập văn phòng đại diện.
1. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thương nhân dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao thực hiện việc cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện và chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện trong trường hợp việc thành lập Văn phòng đại diện chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.
2. Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao (sau đây gọi chung là Ban quản lý) thực hiện việc cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện và chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện đặt trụ sở trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao trong trường hợp việc thành lập Văn phòng đại diện chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.
Câu hỏi: Vậy thời hạn để hoạt động của văn phòng đại diện là bao lâu?
Trả lời: Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài có thời hạn 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài trong trường hợp giấy tờ đó có quy định về thời hạn.
Nếu hết thời hạn 5 năm, nếu thương nhân nước ngoài muốn gia hạn thì có thể gia hạn hoạt động cho văn phòng đại diện không qúa 5 năm.
Câu hỏi: Vậy để thành lập văn phòng đại diện, chúng tôi phải chuẩn bị những tài liệu gì?
Trả lời: Để thành lập văn phòng đại diện, thương nhân nước ngoài cần chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo mẫu của Bộ Công Thương do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký;
b) Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài;
c) Văn bản của thương nhân nước ngoài cử/bổ nhiệm người đứng đầu Văn phòng đại diện;
d) Bản sao báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc văn bản xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc tài chính trong năm tài chính gần nhất hoặc giấy tờ có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập cấp hoặc xác nhận, chứng minh sự tồn tại và hoạt động của thương nhân nước ngoài trong năm tài chính gần nhất;
đ) Bản sao hộ chiếu hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (nếu là người Việt Nam) hoặc bản sao hộ chiếu (nếu là người nước ngoài) của người đứng đầu Văn phòng đại diện;
e) Tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện bao gồm:
– Bản sao biên bản ghi nhớ hoặc thỏa thuận thuê địa điểm hoặc bản sao tài liệu chứng minh thương nhân có quyền khai thác, sử dụng địa điểm để đặt trụ sở Văn phòng đại diện;
– Bản sao tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện theo quy định tại Điều 28 Nghị định và quy định pháp luật có liên quan.
2. Tài liệu quy định tại Điểm b, Điểm c, Điểm d và Điểm đ (đối với trường hợp bản sao hộ chiếu của người đứng đầu Văn phòng đại diện là người nước ngoài) Khoản 1 Điều này phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tài liệu quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này phải được cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận hoặc hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Câu hỏi: Tôi có thể thuê văn phòng ảo, văn phòng chia sẻ để làm trụ sở không?
Trả lời: Theo quy định của pháp luật Việt Nam, thương nhân nước ngoài có thể thuê văn phòng ảo, văn phòng chia sẻ để làm trụ sở văn phòng.
Câu hỏi: Văn phòng đại diện nước ngoài có phải đóng thuế không?
Trả lời: Theo quy định của pháp luật Việt Nam, Văn phòng đại diện thực hiện chức năng văn phòng liên lạc, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thúc đẩy cơ hội đầu tư kinh doanh của thương nhân mà mình đại diện, văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh vì vậy sẽ không phát sinh các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những người lao động làm việc trong văn phòng đại diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.
Câu hỏi: Văn phòng đại diện nước ngoài có thể tuyển dụng người nước ngoài làm trưởng văn phòng đại diện không và pháp luật Việt Nam có hạn chế số người lao động nước ngoài làm việc cho VPĐD không?
Trả lời: Thương nhân nước ngoài có quyền tuyển dụng lao động nước ngoài làm việc cho mình và không có giới hạn số lượng lao động nước ngoài làm cho văn phòng đại diện.
Tuy nhiên, người lao động nước ngoài bao gồm trưởng văn phòng đại diện muốn làm việc hợp pháp tại Việt Nam thì phải làm thủ tục xin Giấy phép lao động.
Hiện tại, để xin Giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam, chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2016 quy định về điều kiện cấp giấy phép lao đọng cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam.
Trong vòng 7 ngày làm việc, cơ quan cấp phép có thể cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài.
Câu hỏi: Tôi có một người bạn tại Việt Nam, anh ấy cũng là người Mỹ, đang làm giám đốc cho một công ty nước ngoài tại Việt Nam, vậy tôi có thể bổ nhiệm người này làm trưởng văn phòng đại diện được không?
Trả lời: Theo quy định của pháp luật hiện hành, người đứng đầu văn phòng đại diện không được kiêm nhiệm các chức vụ sau:
a) Người đứng đầu Chi nhánh của cùng một thương nhân nước ngoài;
b) Người đứng đầu Chi nhánh của thương nhân nước ngoài khác;
c) Người đại diện theo pháp luật của thương nhân nước ngoài đó hoặc thương nhân nước ngoài khác;
d) Người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam.
Nếu bạn của bạn mà làm giám đốc đồng thời là người đại diện theo pháp luật thì không thể bổ nhiệm làm người đứng đầu VPĐD.
Câu hỏi: Trong quá trình hoạt động, văn phòng đại diện có nghĩa vụ gì?
Trả lời: Trong quá trình hoạt động, văn phòng đại diện có nghĩa vụ sau:
1. Trước ngày 30 tháng 01 hàng năm, Văn phòng đại diện có trách nhiệm gửi báo cáo theo mẫu của Bộ Công Thương về hoạt động của mình trong năm trước đó qua đường bưu điện tới Cơ quan cấp Giấy phép.
2. Văn phòng đại diện có nghĩa vụ báo cáo, cung cấp tài liệu hoặc giải trình những vấn đề có liên quan đến hoạt động của mình theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.