Tư vấn thủ tục khởi kiện tranh chấp lao động cá nhân. Tôi có làm tại một công ty cổ phần được gần 05 năm, hiện công ty đột nhiên đóng cửa mà không cho nhân viên vào công ty với lý do: bên phía đối tác của công ty đã chấm dứt hợp đồng. Nhưng công ty vẫn còn nợ mỗi nhân viên là 03 tháng lương và 15 tháng bảo hiểm xã hội .Liên đoàn Lao động quận đã 2 lần mời công ty đến để hòa giải nhưng công ty không đến.
Nay tôi muốn khởi kiện công ty thì cần thủ tục, trình tự khởi kiện như thế nào? Về tài liệu, tôi đã làm mất Hợp đồng lao động, tôi chỉ còn giữ giấy xác nhận công tác có đóng dấu của công ty có thông tin: Loại hợp đồng, ngày vào làm việc, gấy này có sử dụng được để nộp ra toà án được không?
Tư vấn thủ tục khởi kiện tranh chấp lao động như sau:
Theo trình bày của bạn, chúng tôi nhận thấy bạn muốn kiện công ty với hai nội dung chính:
– Công ty phải trả lại cho bạn ba tháng tiền lương còn thiếu
– Công ty phải đóng hoàn tất những tháng bảo hiểm xã hội mà công ty còn nợ cho bạn
Theo quy định tại khoản 1 Điều 201 Bộ luật lao động thì việc kiện với nội dung đòi trả tiền lương của bạn sẽ bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết. Còn nội dung về vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội thì không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải:
“1. Tranh chấp lao động cá nhân phải thông quan thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
…d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội…”
Tuy nhiên, Liên đoàn lao động quận đã 02 lần mời công ty đến hòa giải nhưng phía công ty không có ai đại diện đến. Theo Bộ luật Lao động 2013 Điều 201 thì trường hợp của bạn được coi là hòa giải không thành, hòa giải viên lao động sẽ lập biên bản hòa giải không thành và bạn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết cả hai nội dung vấn đề được đề cập ở trên
“… 3….. một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành.
… 4. Trong trường hợp hòa giải không thành… thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.”
Thủ tục cũng như trình tự giải quyết vụ việc của bạn sẽ thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2004. Theo đó, bạn cần gửi hồ sơ khởi kiện lên Tòa án có thẩm quyền, hồ sơ khởi kiện bao gồm:
– Đơn khởi kiện (mẫu đơn khởi kiện vụ án lao động)
– Tài liệu, chứng cứ hiện có
Như vậy, tất cả những giấy tờ mà bạn hiện có liên quan đến nội dung khởi kiện của bạn, là căn cứ để xác định yêu cầu của bạn là đúng hay không để giải quyết đúng đắn vụ việc bạn đều có thể nộp kèm theo hồ sơ khởi kiện và bạn hoàn toàn có thể nộp thẻ nhân viên vào hồ sơ khởi kiện gửi cho Tòa án.
Tuy nhiên, khi nộp đơn khởi kiện bạn cần xác định vụ việc của bạn có còn thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 202 Bộ luật lao động 2013
“2. Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.”
Sau khi nộp đơn khởi kiện, nếu đơn khởi kiện của bạn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Tòa án sẽ thông báo cho bạn biết để đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp bạn phải nộp tiền tạm ứng án phí, khi hoàn tất việc nộp án phí thì Tòa sẽ tiến hành thụ lý vụ án và giải quyết vụ việc của bạn. Nếu bạn không phải nộp án phí thì ngay sau khi nhận đủ hồ sơ Tòa sẽ tiến hành thụ lý vụ án.
Khi việc thụ lý vụ án được tiến hành, Tòa sẽ thực hiện việc hòa giải giữa các đương sự, tức giữa bạn và công ty. Nếu hòa giải thành sẽ công nhận kết quả hòa giải, nếu việc hòa giải không thành thì vụ án sẽ được đưa ra xét xử trừ trường hợp rơi vào trường hợp phải đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.
» Luật sư tranh tụng vụ án lao động tại Tòa án
» tư vấn giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
Tư vấn thủ tục khởi kiện tranh chấp lao động: