Xác định tư cách của đương sự trong vụ án dân sự. Quy định về đương sự trong Bộ luật tố tụng dân sự 2004.
Đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đương sự trong vụ án dân sự chính là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách do có quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc dân sự. Xác định tư cách của đương sự trong tố tụng dân sự tức là xác định tư cách của đương sự trong vụ án dân sự.
1. Việc xác định tư cách nguyên đơn
Theo quy định tại khoản 2 Điều 68. Đương sự trong vụ việc dân sự Bộ luật tố tụng dân sự 2015: “Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.
Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn”.
Như vậy, có thể thấy nguyên đơn trong vụ án dân sự không những chỉ là người khởi kiện hay người được cá nhân, cơ quan, tổ chức do Bộ luật tố tụng dân sự quy định khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm mà nguyên đơn trong vụ án dân sự còn là cơ quan, tổ chức khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước thuộc lĩnh vực mà mình phụ trách. Việc tham gia tố tụng của nguyên đơn mang tính chủ động hơn so với các đương sự khác. Hoạt động tố tụng của nguyên đơn có thể dẫn đến việc làm phát sinh, thay đổi hay đình chỉ tố tụng.
Từ nhận định trên có thể thấy, cá nhân, cơ quan, tổ chức được xác định là nguyên đơn cần có những đặc điểm sau:
– Thứ nhất: nguyên đơn được giả thiết có quyền lợi bị xâm hại hay có tranh chấp. Mặc dù nguyên đơn có quyền, lợi ích giả thiết bị xâm phạm nhưng vẫn có thể khởi kiện và được thụ lý vì họ đã cung cấp các chứng cứ ban đầu cần thiết để chứng minh họ có quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết. Về nguyên tắc thì nguyên đơn phải là chủ thể của quan hệ pháp luật nội dung có tranh chấp, có quyền, lợi ích liên quan quan hệ pháp luật nội dung đó.
– Thứ hai: cá nhân, cơ quan, tổ chức có tư cách nguyên đơn khi họ thực hiện quyền khởi kiện yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước do mình phụ trách hoặc được người khác khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho họ.
Với cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự hoặc cơ quan, tổ chức thông qua người đại điện hợp pháp khởi kiện vụ án dân sự và được Tòa án thụ lý thì cá nhân, cơ quan, tổ chức đó được xác định là nguyên đơn. Nếu cá nhân là người không có năng lực hành vi tố tụng dân sự mà được người đại điện khởi kiện thì người không có năng lực hành vi tố tụng dân sự được bảo vệ quyền lợi là nguyên đơn. Khi cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì người được bảo vệ quyền lợi chính là nguyên đơn, còn chủ thể khởi kiện vì lợi ích của người khác được xác định là người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn.
2. Việc xác định tư cách bị đơn
Theo quy định tại khoản 3 Điều 68. Đương sự trong vụ việc dân sự Bộ luật tố tụng dân sự 2015: “Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm”.
Một cá nhân, cơ quan, tổ chức được xác định là bị đơn trong vụ án dân sự khi:
– Thứ nhất, là người bị nguyên đơn hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự khởi kiện.
– Thứ hai, bị đơn là người được giả thiết là có tranh chấp hay xâm phạm đến quyền lợi của nguyên đơn.
+ Việc xác định tư cách bị đơn trong các vụ án về quan hệ bảo lãnh. Trong quan hệ này, việc xác định tư cách của bị đơn phụ thuộc vào những điều kiện luật định. Chủ nợ có thể khởi kiện người có nghĩa vụ theo quan hệ hợp đồng hoặc theo quan hệ bảo lãnh để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật dân sự. Bị đơn sẽ là người bảo lãnh nếu nghĩa vụ đến hạn phải thực hiện nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình. Nếu không thuộc trường hợp này thì người bị kiện hay bị đơn chính là người có nghĩa vụ theo quan hệ hợp đồng.
+ Việc xác định tư cách bị đơn trong các vụ án về quan hệ pháp luật sở hữu. Bị đơn trong quan hệ pháp luật sở hữu thường là bên vi phạm quyền sở hữu của chủ thể khác. Pháp luật dân sự hiện hành có sự phân biệt giữa tài sản là động sản phải đăng ký quyền sở hữu và tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu. Đối với động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì chủ sở hữu chỉ có quyền khởi kiện người chiếm hữu ngay tình để đòi lại tài sản trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người có quyền định đoạt tài sản. Trong trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu – kiện vật quyền.
+ Việc xác định tư cách bị đơn trong các vụ án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trong các quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, người bị thiệt hại phải khởi kiện người có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự. Khi đó người bị khởi kiện chính là bị đơn. Đối với việc khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra, chủ thể được xác định là bị đơn bao gồm cha mẹ của người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hai; người chưa thành niên từ đủ mười năm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi; cá nhân, tổ chức giám hộ trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại.
Đối với thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì bị đơn là người có trách nhiệm trong quan hệ bồi thường. Người bị khởi kiện được xác định là bị đơn trong vụ án dân sự do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra có thể là chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ, người được chủ sợ hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao chiêm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật; người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại.
3. Việc xác định tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
Theo quy định tại khoản 4 Điều 68. Đương sự trong vụ việc dân sự Bộ luật tố tụng dân sự 2015: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể tham gia tố tụng độc lập hoặc đứng về phía nguyên đơn hay bị đơn. Một chủ thể được coi là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi họ tự mình đề nghị được tham gia tố tụng, được các đương sự khác đề nghị Tòa án chấp nhận đưa họ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc họ sẽ tham gia tố tụng theo ý chí của Tòa án theo khoản 4 Điều 56 Bộ luật tố tụng dân sự 2004: Như vậy, để xác định tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án dân sự, trước hết ta căn cứ vào việc xác định tư cách của các đương sự trước đó của Tòa án. Việc xác định tư cách tham gia tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phụ thuộc vào việc thực hiện quyền khởi kiện của nguyên đơn và việc thụ lý vụ án dân sự của Tòa án.
Theo quy định tại Điểm b khoản 1 Điều 73. Quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có hai loại: “Có thể có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn”.
– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là người tham gia vào hoạt động tố tụng của vụ án có yêu cầu độc lập trước Tòa án. Yêu cầu này là đối tượng mà Tòa án phải xem xét giải quyết cùng với yêu cầu của nguyên đơn. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập cho rằng đối tượng, phần đối tượng tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn là thuộc về họ chứ không phải thuộc về nguyên đơn hay bị đơn. Do đó, yêu cầu của họ có thể chống lại nguyên đơn, bị đơn hoặc chống lại cả hai.
– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng đứng về phía nguyên đơn hoặc bị đơn hay có thể hiểu là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập là người tham gia vào vụ án đã xảy ra giữa nguyên đơn, bị đơn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, việc tham gia tố tụng của họ luôn phụ thuộc vào việc tham gia tố tụng của nguyên đơn hoặc bị đơn. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng đứng về phía nguyên đơn hoặc bị đơn do có quyền, lợi ích của họ gắn liền với quyền, lợi ích của nguyên đơn hoặc bị đơn nên họ không thể đưa ra yêu cầu độc lập với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn.