Xây dựng thương hiệu dự án: Người tiến nhanh, kẻ sa lầy

Xây dựng thương hiệu theo chuỗi dự án: Người tiến nhanh, kẻ sa lầy

ừng có rất nhiều doanh nghiệp có ý định xây dựng chuỗi dự án mang thương hiệu riêng, nhưng trên thực tế việc này không dễ làm.

Từ câu chuyện của AZ Land
Nhắc tới AZ Land vào thời điểm này, có lẽ nhiều người không biết, hoặc quên, nhưng đây là tên tuổi có tiếng trên thị trường bất động sản Hà Nội 10 năm trước với hàng loạt dự án “hot” trên thị trường đều có tên đầu là AZ, như AZ Vân Canh CT1, AZ vân Canh CT2, AZ Lâm Viên, AZ Sky Định Công, AZ Kim Giang, AZ Thăng Long…

Thời điểm đó, khi AZ Land ra mắt dự án đầu tiên AZ CT1 Vân Canh, sau đó là AZ Sky Định Công, AZ CT2 Vân Canh (giai đoạn 2) và AZ Thăng Long (sau đổi tên thành Bright City), ông Bùi Viết Sơn, Chủ tịch HĐQT AZ Land, vốn là Hiệu trưởng Trường Công nghệ Bách Khoa Aptech được nhiều người nhắc đến.

Tuy nhiên, thay vì có chiến lược dài hạn, AZ Land lại tiến hành theo phương thức “ăn xổi, ở thì” bằng cách sử dụng hợp đồng vay vốn để huy động vốn trái phép của hàng trăm người, dù dự án chưa được chấp thuận đầu tư, chưa được phê duyệt và thậm chí chưa có cả giấy phép xây dựng.

Không rõ có phải vì cách đặt tên chuỗi thương hiệu AZ của mình (thẳng từ A đến Z) hay không, mà AZ Land thực hiện dự án bất động sản theo kiểu đi tắt như vậy.

Hệ quả của việc làm này là tất cả các dự án của AZ Land rơi vào bế tắc, không thể triển khai được và nằm treo trong nhiều năm. Công ty sau đó liên tục bị khách hàng đâm đơn phản ánh, tố cáo đến các cấp chính quyền về việc huy động vốn trái phép.

Điều quan trọng không chỉ là tên gọi hay, mà là giá trị thực của từng dự án, thể hiện đúng những gì doanh nghiệp cam kết trước khách hàng, từ chất lượng, tiến độ đến các dịch vụ hậu mãi sau khi bàn giao cho khách hàng.   

Mãi đến đầu năm 2014, một số dự án của AZLand mới nhen nhóm hồi sinh. Trong đó, Dự án CT1 Vân Canh tái khởi động khi AZ Land thay đổi nhà thầu thi công, đồng thời có thu xếp ổn thỏa từ nguồn vốn nhờ sự tham gia của Ngân hàng Agribank Nam Hà Nội. Cùng thời điểm, dự án AZ Thăng Long cũng được đổi tên thành Bright City và được chuyển sang nhà ở xã hội để tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ thông qua Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Tây Hà Nội. Hai dự án còn lại là AZ Lâm Viên có nhà đầu tư mới Lạc Hồng tham gia giải cứu, còn AZ Sky Định Công cũng có được sự tham gia của một nhà đầu tư mới.

Dẫu vậy, cho tới thời điểm hiện tại, mới chỉ có duy nhất dự án CT1 Vân Canh là được hoàn thành và đưa vào triển khai vào cuối năm 2016, còn lại các dự án khác đều chưa hẹn ngày về đích.

Trong đó, Dự án AZ Thăng Long (Bright City) dù là dự án đầu tiên chuyển đổi sang nhà ở xã hội, nhưng việc kinh doanh chậm trễ, nên khi gói 30.000 tỷ đồng khép lại, dự án vẫn chưa xây xong, khiến dự án lại rơi vào tình trạng đói vốn và đang bế tắc trong quá trình triển khai.

Còn AZ Lâm Viên sau khi may mắn tìm được đối tác cùng hợp tác đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Lạc Hồng, cũng chỉ hoàn thành thêm được 10 tầng của dự án, nâng lên 14/16 tầng theo giấy phép xây dựng, sau đó lại dừng thi công cho đến bây giờ. Đầu năm 2017, lại một lần nữa dự án thay đổi nhà thầu từ Lạc Hồng thành BIDCONS, nhưng tiến độ vẫn không khá khẩm hơn. Công trường vẫn lặng im, nhân công thì lác đác…

Xây dựng thương hiệu phải đi từ yếu tố cốt lõi

Trên thực tế, câu chuyện xây dựng chuỗi dự án mang thương hiệu riêng như AZ Land không hiếm và số lượng thất bại như AZ Land thực tế cũng không ít. Nhu cầu xây dựng thương hiệu riêng là có thật và thực sự là có cơ hội nếu biết vận dụng theo chu kỳ của thị trường.

Thế nhưng, xây dựng thương hiệu hay đầu tư cho thương hiệu phải xuất phát từ chiến lược kinh doanh, trong đó chú trọng đến mô hình kinh doanh vững chắc, sản phẩm thực sự có giá trị đối với khách hàng. Nói tóm lại, muốn xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp phải làm thật.

Có thể thấy, hầu hết các chủ đầu tư có thương hiệu hiện nay trên thị trường đều có hướng đi rất bài bản trong việc xây dựng chuỗi dự án mang thương hiệu riêng của chính mình và điểm chung là các doanh nghiệp này đều nói thật, làm thật.

Chẳng hạn, Vingroup, sau thành công trong những năm đầu tiên với thương hiệu Vinpearl cho phân khúc nghỉ dưỡng, năm 2013, tập đoàn này chính thức ra mắt thương hiệu bất động sản Vinhomes. Sau chưa đầy 2 năm ra mắt, vào năm 2015, thương hiệu bất động sản Vinhomes đã được Brand Finance, hãng tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh định giá trị thương hiệu lên tới 343 triệu USD, đứng thứ 3 trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Năm 2016, giá trị thương hiệu Vinhomes được Brand Finance định giá lên đến 511 triệu USD và đứng thứ 5 trong Top 10 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia vào thời điểm đó, việc thương hiệu của Vingroup được đánh giá cao nhờ nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng đến từ việc các dự án của Vinhomes phát triển có tiến độ đảm bảo, hạ tầng hoàn thiện, với rất nhiều tiện ích, được quản lý vận hành và khai thác rất chuyên nghiệp, hiệu quả.

Chính vì những ưu thế này, các dự án mang thương hiệu Vinhomes được nhiều khách hàng tin mua. Đồng thời, cũng bị nhiều dự án lân cận “ăn theo” trong quảng bá, mở bán.

Tương tự, Tập đoàn Đất Xanh cũng sở hữu cho mình các sản phẩm mang thương hiệu riêng được đánh giá rất cao trên thị trường như Opal, gồm Opal Garden, Opal Tower, Opal Plaza, Opal Skyview. Chưa có định giá chính thức cho chuỗi thương hiệu này của Đất Xanh, nhưng phần lớn các căn hộ mở bán ra của Đất Xanh đều khá được người mua nhà quan tâm, bởi đều có tiến độ thi công, chất lượng tốt.

Đây cũng là điểm chung của một loạt dự án mang thương hiệu riêng khác do các ông lớn như Sungroup, Novaland, Hưng Thịnh, HD Mon, TNR Holdings triển khai trong thời gian vừa qua.

Theo đánh giá của Luật sư, Chủ tịch Công ty luật chúng tôi, đơn vị nhiều năm trong lĩnh tư vấn và bảo hộ thương hiệu, nhiều doanh nghiệp nghĩ rằng, thương hiệu chỉ là tấm áo choàng được thêu dệt hoa mỹ bề ngoài, trong khi không cần quan tâm đến sản phẩm cốt lõi, không chất lượng, thì kết quả rõ thấy, sớm hay muộn, thương hiệu cũng tàn lụi.

Với bối cảnh cơ hội và thách thức song song như hiện tại, bản thân các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là những doanh nghiệp mới và nhỏ, ngay từ đầu đã xác định rõ hướng đi của mình. Trong đó, điều mà họ làm không chỉ là tên gọi hay, mà là giá trị thực của từng dự án, thể hiện đúng những gì doanh nghiệp cam kết trước khách hàng, từ chất lượng, tiến độ đến các dịch vụ hậu mãi sau khi bàn giao cho khách hàng.

Thậm chí, trong một số trường hợp, để tăng độ phủ của mình, tăng giá trị gia tăng cho dự án, các ông lớn bất động sản còn tạo ra các sản phẩm chéo với lĩnh vực không liên quan trực tiếp nhưng gián tiếp tới nhu cầu thiết yếu khi về sinh sống.

“Đây là cách đi đúng, bởi dù thị trường bất động sản hiện nay đã có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn đang trong giai đoạn sàng lọc rất lớn. Cuộc chơi chỉ dành cho các doanh nghiệp chuyên nghiệp, biết nắm bắt cơ hội, tạo dựng được uy tín và có sản phẩm tốt, còn các doanh nghiệp không chuyên nghiệp sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi” ông Hà nhấn mạnh.

theo tinnhanhchungkhoan.vn

» Đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam