Người bào chữa chỉ định theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS)
Kiến thức của luật sư:
Cơ sở pháp lý:
Bộ luật tố tụng hình sự 2015
BLTTHS 2015 quy định về chỉ định người bào chữa như sau:
“Điều 76. Chỉ định người bào chữa
Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:
a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;
b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này:
a) Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa;
b) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý;
c) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.”
1. Thế nào là người bào chữa chỉ định:
Quyền bào chữa được xem như là phương tiện pháp lý cần thiết để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội. Thông thường; sự tham gia của người bào chữa phụ thuộc vào ý chí của bị can; bị cáo; người bị tạm giữ hay người bị bắt. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt luật quy định sự tham gia của người bào chữa vào trong vụ án không phụ thuộc vào ý chí của bị can, bị cáo. Trường hợp này; pháp luật gọi là chỉ định người bào chữa. Những người được chỉ định được gọi là người bào chữa chỉ định.
Sự tham gia bắt buộc của người bào chữa trong TTHS là một chế định đầy tính nhân văn của BLTTHS. Điều này tiếp tục được phát huy tại BLTTHS 2015. Quy định của luật về sự tham gia của người bào chữa vào trong vụ án không phụ thuộc vào ý chí của bị can, bị cáo như là sự nhân đôi bảo đảm quyền bào chữa cho người bị buộc tội.
2. Trường hợp bắt buộc có người bào chữa chỉ định.
Điều 76; BLTTHS 2015 đã chỉ ra hai trường hợp mà theo đó, nếu người bị buộc tội; người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội. Hai trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa đó là:
+ Thứ nhất, Người bị buộc tội là bị can; bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù; tù chung thân; tử hình.
Với việc quy định bắt buộc phải có người bào chữa với bị can, bị cáo có mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm; tù chung thân; tử hình (mức hình phạt của tội phạm đặc biệt nghiêm trọng) đã cho thấy pháp luật nước ta luôn chú trọng bảo vệ tối đa quyền con người.
Tuy BLTTHS 2015 không quy định chi tiết người bào chữa chỉ định được tham gia tố tụng từ giai đoạn nào. Nhưng theo quan điểm của chúng tôi, có thể hiểu thời điểm người bị buộc tội biết mình bị khởi tố về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là hai mươi năm; tù chung thân; tử hình đồng thời là thời điểm phát sinh nghĩa vụ của cơ quan có thẩm quyền bảo đảm người bào chữa cho bị can. Thời điểm này là thời điểm tống đạt quyết định khởi tố bị can.
+Thứ hai, Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.
Nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích không mời người bào chữa; thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải đảm bảo quyền bào chữa đối với người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.
Ngoài ra, đối với trường hợp người bị buộc tội dưới 18 tuổi nhưng tới thời điểm khởi tố; truy tố xét xử người bị buộc tội đã đủ 18 tuổi thì trên tinh thần của Mục II.2b NQ 03/2004 NQ-HĐTP; người bị buộc tội sẽ không được coi là trường hợp phải bắt buộc có người bào chữa nữa. Cụ thể:
“Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 57 của Bộ luật Tố tụng hình sự khi bị ca;, bị cáo là người chưa thành niên; nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì cơ quan điều tra; Viện kiểm sát hoặc Tòa án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình; do đó, trường hợp khi phạm tội; người phạm tội là người chưa thành niên; nhưng khi khởi tố; truy tố; xét xử họ đã đủ mười tám tuổi thì họ không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 57 của Bộ luật Tố tụng hình sự.”
Tuy BLTTHS 2015 chưa có văn bản hướng dẫn; nhưng theo chúng tôi, tinh thần của NQ 03/2004 vẫn còn nguyên giá trị.
Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền phải cử người bào chữa, thì cơ quan tổ chức dưới đây sẽ được đề nghị hoặc yêu cầu cử người bào chữa:
+ Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa;
+ Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý; luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Người được trợ giúp pháp lý được quy định chi tiết tại Điều 7, Luật trợ giúp pháp lý 2017 như: Người có công với cách mạng; Người thuộc hộ nghèo; Trẻ em; Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi….
+ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.”