Bảo vệ người tố cáo

Bảo vệ người tố cáo. Tố cáo và giải quyết tố cáo góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và ổn định tình hình kinh tế xã hội.

1. Quyền tố cáo cáo của công dân
– Pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo nói chung, những quy định về bảo vệ người tố cáo nói riêng đang ngày càng được hoàn thiện, nhất là sau khi Luật Tố cáo 2011 và Nghị định số 76/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo được ban hành.

– Quyền tố cáo của công dân là quyền hiến định được ghi nhận trong các bản Hiến pháp của nước ta và được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật, như Luật Tố cáo; Luật Phòng, chống tham nhũng; Bộ Luật tố tụng hình sự; Bộ luật hình sự…Trong quá trình thực hiện quyền làm chủ của mình, công dân phát hiện ra những vi phạm, những hành vi trái pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào thì đều có quyền thông báo cho cơ quan, người có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm đó để có biện pháp xử lý, ngăn ngừa và khắc phục hậu quả xảy ra.

2. Sự cần thiết phải bảo vệ người tố cáo.
– Trong những năm qua, công dân đã chủ động, tích cực thực hiện quyền tố cáo, số lượng đơn thư tố cáo của công dân có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt là trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu, đại diện cho đông đảo quần chúng nhân dân tích cực trong việc phản ánh, lên án, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật (tham nhũng), tiêu cực nơi sinh sống, công tác và làm việc, góp phần to lớn vào việc ngăn ngừa và từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng ở nước ta.

– Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn nhiều vấn đề đặt ra trong việc thực hiện quyền tố cáo của công dân. Đến nay, dù chưa có cơ quan, đơn vị nào có báo cáo hoặc thống kê chính thức về tình hình đe dọa, xâm hại đối với người tố cáo nhưng qua nghiên cứu một số vụ án xảy ra, có thể xác nhận những tác động của người vi phạm hoặc thân nhân của họ như mua chuộc, đe dọa, gây thiệt hại là có thật và là nguyên nhân dẫn đến một số vụ án hình sự không được làm rõ hoặc không được xử lý triệt để và dẫn đến các kết quả tiêu cực.

3. Pháp luật hiện hành về bảo vệ người tố cáo, người thân của người tố cáo.

Điều 30, Luật Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

“Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật”.

“Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”.

-> Hiến pháp không chỉ tuyên bố về quyền tố cáo của công dân mà còn có những quy định nhằm bảo đảm thực hiện quyền này.

Điều 132, Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009 quy định về “Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo”:

“Người nào có một trong các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm”.

“Người nào trả thù người khiếu nại, tố cáo thì bị cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.

“Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”.

-> Những đảm bảo pháp lý đối với quyền tố cáo và người tố cáo khẳng định tính chất đặc biệt quan trọng của vấn đề, đồng thời khẳng định ý chí của Nhà nước trong việc xử lý những người có hành vi cản trở việc thực hiện quyền tố cáo cũng như trả thù người tố cáo.

Luật tố cáo số 02/2011, có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2012 đã dành 1 chương (Chương V: từ Điều 34 đến Điều 40) để quy định về bảo vệ người tố cáo:

+ Điều 34 của Luật quy định việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện tại tất cả những nơi có thể ảnh hưởng đến người tố cáo, bao gồm: nơi cư trú, công tác, làm việc, học tập, nơi có tài sản của người cần được bảo vệ hoặc những nơi khác do cơ quan có thẩm quyền quy định.

+ Cũng theo quy định của Điều này, đối tượng bảo vệ không chỉ có người tố cáo mà còn cả những người thân thích của người tố cáo như vợ hoặc chồng, con cái, bố mẹ, anh em ruột thịt…;

+ Nội dung người tố cáo được bảo vệ: bảo vệ bí mật thông tin; bảo vệ tại nơi công tác, nơi làm việc, nơi cư trú; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo,….

+ Thời hạn bảo vệ do cơ quan có thẩm quyền quyết định tuỳ thuộc vào tình hình thực tế của từng vụ việc, mức độ, tính chất của hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng cần được bảo vệ.

Triển khai chế định này của Luật, ngày 03/10/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2012/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành ngày 20/11/2012) quy định chi tiết các biện pháp bảo vệ người tố cáo và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc bảo vệ người tố cáo:

– Bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo trong quá trình tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tố cáo;
– Bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
– Bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo;
– Bảo vệ tài sản của người tố cáo, người thân thích của người tố cáo;
– Bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm và các quyền nhân thân khác của người tố cáo, người thân thích của người tố cáo;
– Bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người tố cáo, người thân thích củangười tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức;
– Bảo vệ việc làm đối với người tố cáo, người thân thích của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động mà không phải là viên chức;

-> Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng công tác giải quyết tố cáo nói chung, bảo vệ người tố cáo nói riêng, từ việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật trong lĩnh vực này và xác định việc bảo vệ người tố cáo là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước.

» Luật sư bảo vệ quyền lợi