Cách nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự

Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự. Hồ sơ vụ án hình sự thì rất đa dạng vì nhiều loại án, có những hồ sơ chỉ có mấy chục Bút lục (BL), nhưng cũng có những hồ sơ lên tới cả nghìn BL nên mức độ khó và khối lượng công việc nghiên cứu cũng khác nhau.

I. NGUYÊN TẮC NGHIÊN CỨU HỒ SƠ VỤ ÁN HÌNH SỰ.
– Định hướng bào chữa, bảo vệ trước khi nghiên cứu hồ sơ:
Để đạt tính hiệu quả cao nhất trong việc nghiên cứu hồ sơ, các Luật sư cần thiết phải phải xác định vai trò và định hướng bào chữa, bảo vệ của mình cho thân chủ. Làm được việc này, các Luật sư sẽ biết phải tập trung nghiên cứu những những vấn đề nào là quan trọng nhất.
Ví dụ: Luật sư tham gia tố tụng hình sự với tư cách người bào chữa nhưng định hướng xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho thân chủ. Do vậy, Luật sư sẽ tập trung vào nghiên cứu, khai thác tối đa tài liệu chứng cứ liên quan đến tình tiết giảm nhẹ của Thân chủ.

– Xác định thành phần hồ sơ vụ án hình sự.
Mọi hồ sơ vụ án hình sự đều có hai phần chính, bao gồm phần tố tụng và phần nội dung. Do đó, Tùy thuộc vào định hướng tham gia tố tụng nêu trên, Luật sư có thể lược bỏ hoặc tập trung nghiên cứu chi tiết từng phần của của hồ sơ.
Ví dụ: Mục đích của Luật sư là xin giảm trách nhiệm hình sự cho thân chủ, nên thường thì luật sư sẽ không “bới lông, tìm vét” đối với những sai phạm về mặt tố tụng hoặc người lại.

– Phạm vi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự.
Về mặt tố tụng:
Nghiên cứu và đối chiếu trình tự tố tụng theo quy định của pháp luật như Tạm giữ (về thời hạn);
Khởi tố (thời hạn, thông báo, phe chuẩn);
điều tra (Phê chuẩn tạm giam, thời hạn tạm giam, gia hạn và phê chuẩn gia hạn tạm giam, lấy lời khai của bị can…, tư cách tố tụng của Người tham gia hỏi cung, thời gian hỏi cung…); Truy tố (thời hạn, phê chuẩn)…
Về mặt nội dung:
Cần nghiên cứu đầy đủ, toàn diện các tài liệu có trong hồ sơ vụ án về những vấn đề phải chứng minh trong vụ án án hình sự.

II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU HỒ SƠ VỤ ÁN HÌNH SỰ
Thứ nhất, việc nghiên cứu hồ sơ vụ án cần phải gắn liền với việc ghi chép, dùng bút màu đánh dấu với những nội dung quan trong. Quá trình ghi chép cần ghi rõ nội dung thuộc số BL nào. Nếu nghiên cứu hồ sơ sao chụp trên máy tính, cần thiết phải in ngay những tài liệu được cho là quan trọng, hoặc coppy vào một folder riêng để in sau.
Thứ hai, để có thể hệ thống và nắm bắt được toàn bộ nội dung vụ án, trước tiên cần nghiên cứu kỹ nội dung Bản kết luận điều tra, kết luận điều tra bổ sung (nếu có), Bản Cáo trạng; đồng thời đối chiếu về mặt nội dung đối với các văn bản trên. Từ đó chúng ta mới có thể xác định thứ tự nghiên cứu hồ sơ vụ án như thế nào cho hợp lý.
Thứ ba, nghiên cứu lời khai của những người tham gia tố tụng theo thứ tự: Thân chủ(bị can hoặc bị hại), nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng theo thứ tự thời gian. Tuy nhiên, riêng phần lời khai của Thân chủ, Luật sư nên nghiên cứu phần các bản tự khai trước.
Thư tư, nghiên cứu các tài liệu liên quan được cơ quan điều tra thu thập trong quá trình điều tra giải quyết vụ án, xác định những hồ sơ có lợi và bất lợi cho Thân chủ của mình; qua đó có thể khai thác hoặc chuẩn bị nội dung phản biện.
Thứ năm, sau khi đã nắm bắt được toàn bộ nội dụng hồ sơ, tùy thuộc vào từng vụ án và định hướng giải quyết, luật sư mới tiến hành nghiên cứu phần hồ sơ tố tụng.
Thứ sáu, nghiên cứu và chuẩn bị kỹ các quy định của pháp luật liên quan.
Thư bảy, trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ, cần hệ thống và tóm tắt khách quan toàn bộ nội dung vụ án theo hướng bảo vệ, bào chữa cho Thân chủ của mình. Các nội dung tóm tắt nên được viện dẫn bởi các tài liệu, BL có trong hồ sơ vụ án.
Trên đây là một số kinh nghiệm mang tính chủ quan để tham khảo áp dụng sao cho phù hợp với quá trình hành nghề của mình.

» Kỹ năng của luật sư tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự