Ngày 9-5 vừa qua, VTVcab đã thông báo chính thức về việc ngừng phát sóng giải UEFA Champions League, UEFA Europa League tại Việt Nam. Thông tin này khiến nhiều người hâm mộ bóng đá tỏ ra hụt hẫng, tiếc nuối.
Kể từ nay, nhiều người hâm mộ sẽ không còn cơ hội được xem các trận cầu hấp dẫn trên truyền hình (ảnh minh họa)
Theo thông tin từ VTVcab – đơn vị cung cấp bản quyền chương trình phát sóng giải UEFA Champions League (UCL), UEFA Europa League (UEL), mặc dù trước đó, đơn vị này đã rất nỗ lực, tìm mọi cách nhằm bảo vệ bản quyền các chương trình truyền hình để phát sóng các giải này phục vụ khán giả nhưng tình trạng xâm phạm bản quyền vẫn tiếp diễn phức tạp với nhiều cách thức tinh vi nhằm chống lại các biện pháp bảo vệ của VTVcab.
Bên nào cũng thiệt?!
Trước tình trạng trên, đơn vị cung cấp bản quyền chương trình phát sóng giải UCL và UEL đã thông báo ngừng cung cấp tín hiệu, yêu cầu VTVcab ngừng truyền dẫn, phát sóng, quảng bá, phân phối các chương trình UCL và UEL. Điều này gây thiệt hại rất lớn cho VTVcab.
Sau sự việc này, không ít người hâm mộ bóng đá bức xúc. Anh Nguyễn Ngọc Tuấn ở khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, quận Cầu Giấy chia sẻ, việc VTVCab phải dừng phát sóng chương trình truyền hình trực tiếp giải bóng đá UCL và UEL là một việc có thể thấy trước và cho thấy vấn đề bản quyền thật sự đáng ngại tại Việt Nam. Sự phát triển internet mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra áp lực lớn đối với việc quản lý nội dung trên đó, đặc biệt là về vấn đề bản quyền.
Sự việc này xảy ra khiến không chỉ VTVcab bị thiệt hại mà ngay cả khán giả truyền hình Việt Nam, những người hâm mộ bóng đá sẽ không được tiếp tục theo dõi các trận đấu trong các giải này trên truyền hình nữa. “Việc quản lý bản quyền là trách nhiệm của VTVcab, không liên quan đến khách hàng. Chúng tôi là khách hàng đã đóng tiền thuê bao hàng tháng đầy đủ nhưng nay lại không được xem các trận cầu hấp dẫn nữa thì biết bắt đền ai”, anh Tuấn đặt câu hỏi.
Còn theo ông Đăng Như Long ở ngõ 173 đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội, dù đại diện VTVcab nói họ không muốn chuyện này xảy ra, họ cũng đã cố gắng hết sức nhưng trong trường hợp này, họ cần xem xét để bảo vệ quyền lợi của khách hàng. “Sở dĩ VTVcab dừng phát sóng là do không quản lý được vấn đề bản quyền đối với các chương trình truyền hình trực tiếp các giải đấu UCL, UEL tại Việt Nam.
Việc người dân phải bỏ tiền mua trọn gói hàng trăm kênh truyền hình, nhưng cũng chỉ xem được vài kênh, trong đó có những kênh bóng đá yêu thích lại không có là điều khó có thể chấp nhận được. Tôi nghĩ để đảm bảo quyền lợi của mình, trước khi ký hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình, khách hàng phải xem kỹ các điều khoản phòng trường hợp xảy ra tranh chấp”, ông Long nêu ý kiến.
Xâm phạm bản quyền có thể bị phạt tới 200 triệu đồng
Về vấn đề trên, LS Khương cho rằng, đây là lần thứ hai VTVcab phải dừng phát sóng giải UCL và UEL vì cùng một lý do liên quan đến bản quyền. Thông thường, khi ký kết hợp đồng có tính chất như vậy, điều khoản đảm bảo về bản quyền các chương trình phát sóng được quy định rất chặt chẽ và bên nhận bản quyền chương trình phải có nghĩa vụ ngăn chặn các vi phạm về bản quyền đối với với các chương trình này. Không thực hiện được điều này có thể là cơ sở để hai bên đi đến chấm dứt hợp đồng.
Cũng theo LS Khương, nếu không được cấp phép từ VTVcab, các đơn vị đang phát sóng hoặc tái phát sóng, sao chép, trích ghép chương trình truyền hình trực tiếp các giải đấu đã xâm phạm quyền liên quan được quy định tại Điều 17 và 35 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi và bổ sung năm 2009. Theo đó, các hành vi xâm phạm quyền nêu trên có thể bị xử phạt từ 70-100 triệu đồng (Điều 30 Nghị định 131/2013/NĐ-CP), trường hợp là pháp nhân vi phạm thì gấp đôi mức phạt.
Điều đáng nói là, các đơn vị cung cấp chương trình phát sóng độc quyền đang gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn các hành vi phát sóng, tái phát sóng chương trình độc quyền của họ. Nguyên nhân là do ứng dụng OTT lậu đang được phát triển tràn lan tại Việt Nam hoặc được phát xuyên biên giới trong đó có nhiều chương trình độc quyền của nhà đài.
Ngoài ra, nhà đài cũng không có công cụ để kịp thời phát hiện các chương trình vi phạm bản quyền. Trong khi đó, đơn vị vi phạm tìm mọi thủ thuật để che giấu dấu hiệu nhận biết về nguồn gốc chương trình đang phát sóng như chèn logo, thay đổi khung hình, che giấu IP…
“Có thể nói vi phạm bản quyền ngày càng gia tăng, tinh vi và tràn lan trên nền tảng internet, facebook tại Việt Nam. Khách quan mà nói, ngoài trách nhiệm của đơn vị quản lý quyền, thực thi quyền thì lỗi cũng một phần thuộc về chính những người yêu bóng đá khi họ trực tiếp xem trên mạng xã hội. Có cung ắt có cầu, điều này cho thấy nhận thức về bản quyền của người xem cũng là vấn đề hết sức quan trọng” – luật sư nhận định.
theo anninhthudo.vn