Viết bài bào chữa cho bị cáo thực hiện bào chữa theo chỉ định của cơ quan tiến hành tố tụng
Bài bào chữa cho bị cáo – Trần Đức A
Bị VKSND tỉnh Đ truy tố về tội “Giết người và cố ý gây thương tích”.
Phiên tòa sơ thẩm 7giờ 30 phút ngày 21/11/2012 tại xã L S – TP. B L
Kính thưa:
– Hội đồng xét xử
– Vị Đại diện viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đ
Tôi là luật sư: Trương Q – Văn phòng Luật sư P T Đ – Đoàn Luật sư tỉnh Đ, thực hiện bào chữa theo chỉ định của cơ quan tiến hành tố tụng, Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng và sư phân công của Văn phòng Luật sư P T Đ cho bị cáo Trần Đức A bị VKSND tỉnh Đ truy tố về tội “Giết người” theo điểm n, khoản 1 Điều 93 và Tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 BLHS năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm hôm nay với tư cách bào chữa cho người phạm một lúc 02 tội là “giết người” và “cố ý gây thương tích” với bất kỳ hành vi phạm tội như thế nào và hình thức phạm tội ra sao đều hết sức nguy hiểm, bị pháp luật trừng trị rất nghiêm khắc và cả xã hội lên án.
Tuy nhiên, với tư cách là người bào chữa, tôi không thể từ nan và thoái thác trách nhiệm bởi tôn chỉ của của tổ chức luật sư đã được Luật Luật sư và Luật tố tụng hình sự quy định. Chính vì lẽ đó cùng với đạo đức nghề luật nghiệp luật sư, tôi thực hiện nghĩa vụ bào chữa cho bị cáo trên cơ sở đưa ra nhưng quan điểm của mình với mục đích để Hội đồng xét xử xem xét, cân nhắc về cá thể hóa hành vi khi đánh giá chứng cứ cũng như hoàn cảnh, nguyên nhân, các tình tiết giảm nhẹ để có một phán quyết chính xác đúng khung hình phạt đảm bảo cả hai yêu cầu: vừa trừng phạt nghiêm khắc kẻ phạm tội vừa bảo đảm giáo dục cải tạo theo chính sách nhân đạo của pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Kính thưa Hội đồng xét xử:
Qua cáo trạng và phần luận tội của vị đại diện VKS, với tư cách là luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Đức A tại phiên toà hôm nay, tôi không có ý kiến gì về tội danh, mà VKS đã truy tố và đề nghị. Tôi xin nêu lên một số quan điểm bào chữa có liên quan đến nguyên nhân xảy ra hành vi phạm tôi của bị cáo cũng như những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng của bị cáo để làm cơ sở đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc khi lượng hình.
Thưa Hội đồng xét xử: Thực tình mà nói vụ án này tuy rất nghiêm trọng, nhưng lại hết sức đơn giản, rõ ràng, Theo tôi điều cần phải làm sáng tỏ là lý giải cho được nguyên nhân vì sao bị cáo lại giết người và cố ý gây thương tích cho người không thù oán, không mâu thuẩn gì với họ mà còn có thể nói là thân tình. Thông thường thì kẻ giết người đều phải có mục đích như: giết người cướp của, giết người bịt đầu mối, giết người do thù oán…! Vậy thì tại sao bị cáo lại giết người cũng như cố ý gây thương tích cho người không thù oán với họ? Đây là câu hỏi khó khăn nhất và nhức nhối nhất. Một câu hỏi cần phải lý giải cho được dù có tốn công tốn sức. Với tư cách và trách nhiệm người bào chữa, tôi xin được mạnh dạn lý giải điều này.
Kính thưa Hội đồng xét xử: theo tôi bị cáo phạm tôi giết người và cố ý gây thương tích vì những nguyên nhân chủ yếu sau:
Bị cáo bị kích động tinh thần quá mạnh.
Thứ nhất, đối với tội “giết người”
Bị cáo quan hệ với người bị hại là bố dượng, thông thường những đứa trẻ đang phải chịu đựng sự mất mát do cha đẻ qua đời, khó hàn gắn vết thương lòng sẵn sàng chấp nhận bố dượng như một người cha. Từ đó sẽ xuất phát mẫu thuẫn ngầm giữa đứa trẻ là con riêng của vợ với bố dượng, tìm cách chứng minh bố dượng luôn là người xấu. Theo các chuyên gia tâm lý, quan hệ gia đình như vậy rất phức tạp, khó giải quyết các mâu thuẫn, vì vậy khi có cơ hội là đứa trẻ sẽ đã kích, nói kê, gây sự dù chỉ là lời nói buân quơ, cứ như vậy ngày tháng trôi qua tích tụ cho mỗi người một bức xúc và lặp đi lặp lại trong suốt thời gian dài và liên tiếp tác động đến tinh thần của bị cáo, chỉ cần khi có một hành vi trái pháp luật hoặc trái đạo đức hoặc có tính kích bác thì tinh thần của bị cáo lâm vào tình trạng bị kích động mạnh. Điều này có thể được chứng minh qua lời khai của cháu B tại bút lục số 75 “Tôi cũng bức xúc về hành động của ông A”. Do bức xúc như vậy vào ngày 16/12/2012 khi nấu cơm ăn thì cháu B chỉ nâu cơm cho một mình B ăn. Khi bị cáo hỏi cháu B trả lời ngay “Ai ăn thì nấu, đây không rỗi hơi” theo lời khai của cháu B tại bút lục 75, tuy là lời nói, nhưng gây tác động không nhỏ đến tinh thần của bị cáo, tiếp đến ngay sau đó cháu B lại có những lời nói mang tính chất xúc phạm đến đời sống của bị cáo là “Người ăn nhờ, ở đậu” (Bút lục số 50, 54) lời nói này như gáo nước tát vào mặt bị cáo đã làm cho tinh thân thần bị cáo bị kích động mạnh không còn kiềm chế được hành động nguy hiểm của bị cáo đã bị VKSND tỉnh Đ truy tố theo khoản 1 Điều 93 BLHS tại phiên tòa hôm nay.
Thứ hai, về cố ý gây thương tích
Tại sao bị cao lại dùng giao đâm ông C người hàng xóm thân tình với gia đình và bản thân bị cáo. Do khi đánh cháu B ngã xuống, tưởng cháu B đã chết, nên tinh thân hoàn toàn rời vào cảnh rối loạn không còn khả năng làm chủ hành vi của mình mà chỉ còn suy nghĩ duy nhất là “tự tự” mới thoát khỏi cảnh trừng trị của pháp luật. Cho nên khi gặp có sự cảng trở từ ông C dù đó là điều tốt, điều đúng và điều đáng làm của người hàng xóm, nhưng vì tinh thần bị cáo đã bị kích động đến cao độ nên không nhận thức ra được và không kiềm chế được hành vi phạm tội của mình.
Tôi trình bày lên nguyên nhân và diễn biến của quá trình xảy ra hành vi phạm tôi của bị cáo là do bị kích động tinh thần quá mạnh về phía nạn nhân và có sự cản trở của người bị hại không nhằm che dấu hay chạy tội cho bị cáo mà hy vọng HĐXX có thể xem xét chấp nhận tình tiết giảm nhẹ ở điểm đ khoản 1 Điều 46 BLHS đối với bị cáo.
Như vậy nếu được Hội đồng xét xử chấp thuận thì ở vụ án này bị cáo có được 02 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 46 BLHS. Đó là ngoài tình tiết giảm nhẹ như tôi vừa nêu trên và còn 01 tình tiết giảm nhẹ khác là quá trình điều tra bị cáo thành khẩn khai báo, nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại tại điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS mà bản cáo trạng của VKSDN đã nêu.
Thứ ba, về tình tiết tăng nặng tại điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS ‘có tính chất côn đồ” mà bản cáo trạng của VKSND đã truy tố, tôi có ý kiến như sau:
Để áp dụng thống nhất tình tiết này trong xét xử, Toà án nhân dân tối cao đã hướng dẫn tại công văn số 38/NCPL ngày 6/01/1976 và tại Hội nghị tổng kết công tác ngành năm 1995, Toà án nhân dân tối cao đã giải thích về tình tiết “có tính chất côn đồ” như sau: Khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khoẻ, tính mạng, danh dự người khác, gây gổ hành hung người khác một cách vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt….
Mặt khác trong trường hợp giết người mà tất cả những tình tiết của vụ án thể hiện người phạm tội có tính chất hung hãn cao độ, quá coi thường tính mạng của người, sẵn sàng giết người vì những nguyên cơ nhỏ.
Nhưng như tôi đã trình bày ở phần trên do bị kích động tinh thần từ nạn nhân nên bị cáo đã không còn khả năng kiềm chế đươc hành vi phạm tôi của mình, hơn nữa trước khi phạm tội bị cáo cũng là người công dân lo làm ăn chăm chỉ góp phần cùng vợ nuôi con, chưa có tiền án, tiền sự, không phải là “những tên coi thường pháp luật”.
Vì vậy, tôi kính đề nghị HĐXX khi nghị án trong quá trình cụ thể hóa hình phạt xem xét lại việc truy tố với tình tiết tăng nặng này của VKSND tỉnh Đ đối với bị cáo.
Kính thưa Hội đồng xét xử, thưa gia đình nạn nhân và các nạn nhân, tôi đã nói quá nhiều để bào chữa cho bị cáo. Tôi vô cùng mong ước những lời nói trên đây của tôi không làm buồn phiền các nạn nhân và gia đình mà hy vọng nó là những lời giải bày, lời phân trần, lời an ủi.
Kính thưa Hội đồng xét xử, thưa vị đại diện Viện Kiểm Sát, thưa các gia đình nạn nhân và nạn nhân: Việc bị cáo cùng lúc có hành vi đánh “chết” cháu B tuy chưa thành và cố ý gây thương tích cho anh C là một việc làm gây tác hại hết sức nghiêm trọng. Bị cáo phải chịu một mức án nghiêm khắc. Song ở đây chỉ có điều mức án nghiêm khắc đến mức nào? Việc làm này trông chờ hoàn toàn vào sự công minh của pháp luật, của Hội đồng xét xử. Ông bà ta có câu “Đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh kẻ chạy lại”, sau khi bị tạm giam bị cáo Trần Đức A đã nhận biết những sai lầm nhiều lần khóc lóc và hối hận. Tuy nước mắt của Trần Đức A rơi có muộn màn song đã biết tỏ ra ăn năng sau thời gian bị tạm giam.
Và trên cơ sở đó đề nghị Hội đồng xét xử xem xét những tình tiết giảm nhẹ và không áp dụng tình tiết tăng nặng tại điểm n khoản 1 Điều 93 đối với bị cáo với lý do mà tôi đã trình bày ở trên và HĐXX có thể áp dụng Điều 47 BLHS để “… quyết định môt hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định…” đối với Bị cáo. Đồng thời đối với tội giết người do bị cáo phạm tôi chưa đạt nên được vận dụng thêm Điều 18 và khoản 1 Điều 52 BLHS để xem xét khi lượng hình.
Nếu lời đề nghị của tôi được chấp nhận thì chắc chắn bị cáo sẽ được hưởng mức án vừa phải trong cái khung hình phạt rất dài mà VKSND đã truy tố và Hội đồng xét xử chừa cho bị cáo Trần Đức A con đường sống. Chỉ có như vậy, trong thời gian thụ hình, bị cáo mới chịu sự trừng phạt của pháp luật, đồng thời cũng chịu sự trừng phạt của lương tâm, tạo cơ hội hối cải, phấn đấu cải tạo sớm trở về cùng vợ để xây dựng lại tổ ấm của gia đình.
Xin cám ơn Hội đồng xét xử, Vị đại diện Kiện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đ, các nạn nhân, gia đình nạn nhân và toàn thể bà con tham dự phiên toà đã lắng nghe tôi trình bày./.
Theo luatsulamdong.com