Bài bảo vệ vụ án tranh chấp quyền thừa kế

Bài bảo vệ vụ án tranh chấp quyền thừa kế

Ông bà P và L có sáu đứa con (3 trai, 3 gái) và từ năm 1965 đã thuê đất của bà D làm nhà cùng sinh sống với đứa con trai thứ 4, lúc bây giờ còn độc thân là Q tại số nhà 9 phố Lê Văn Duyệt. Đến năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà chủ đất D đã bỏ đi biệt tích, không còn đến thu tiền thuê đất nữa, nên ông bà P và L đã chiếm hữu và hợp thức hóa quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở với chính quyền cách mạng.

Khi bà L mất năm 1984 và ông P mất năm 1988, không để lại di chúc, thì ông Q tranh thủ các đồng thừa ký tên xác nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất căn nhà 9 là thuộc ông Q để đi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà đứng tên ông Q. Các đồng thừa kế xem việc xác nhận chỉ mang tính thủ thuật hình thức để người anh em mình (là ông Q) hợp thức hóa căn nhà thừa kế chung. Nhưng ngay đó, khi ông Q đang tiến hành thủ tục, do biết ý đồ muốn chiếm hữu riêng của ông này nên các đồng thừa kế đã làm đơn ngăn chặn. Chính vì vậy mà sau đó UBND TP.Z đã cấp giấy CN QSDĐ ở và QSHN ở thuộc ông bà P và L (đã chết) do con là Q đứng tên đại dịên các đồng thừa kế khai trình. Nhưng từ đó đến nay đã trên 7 năm, ông Q vẫn chiếm hữu và cho một thương nhân thuê căn nhà 9 này mà không đếm xỉa đến quyền lợi của anh chị em khác (kể cả 3 chị em ở nước ngoài), nên đã phát sinh tranh chấp thừa kế. Nhưng vì các nguyên đơn do không am hiểu pháp luật về tranh chấp quyền thừa kế nên đã nộp đơn tranh chấp vào thời điểm (ngày 7/02/2002) đã quá hạn thời hiệu khởi kiện về thừa kế theo điều 645 BLDS 2005, tính từ thời điểm mở thừa kế là đầu năm 1988 (sau cái chết của ông bà P và L). Đây là vụ kiện có sự vận dụng từ tranh chấp thừa kế thành tranh chấp tài sản sở hữu chung.

BẢN LUẬN CỨ BẢO VỆ

Kính thưa hội đồng xét xử,

Tôi là luật sư X, trưởng văn phòng luật sư Y, trực thuộc đoàn Luật sư Tp.Z. Được sự yêu cầu của hai thân chủ tôi là các nguyên đơn: Bà H và Cô T trong vụ kiện “tranh chấp thừa kế”, và cũng được quí tòa chấp thuận cho phép qua đăng kí bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đương sự. Trong vụ kiện này, tôi cũng xin mạn phép Quí Tòa được phép bảo vệ chung cả hai thân chủ, vì cả hai đều là nguyên đơn dân sự, đều có chung một yêu cầu hoàn toàn giống nhau. Hôm nay, trên cơ sở các bút lục tại hồ sơ vụ kiện và qua các nội dung xét hỏi tại tòa, tôi xin phép Hội Đồng xét xử được trình bày bản luận cứ bảo vệ như sau:

Loại trừ hai căn nhà tranh chấp không có cơ sở pháp luật, mà vào giờ cuối bị đơn dân sự Q đã rút lại phần phản tố của mình ngay tại phiên toà hôm nay; phần còn lại tranh chấp là căn nhà 9 mà theo tôi đúng là tài sản chung do cha mẹ để lại, là tài sản đồng hưởng thừa kế của các đương sự (trong đó có cả các nguyên đơn và bị đơn), xuất phát từ các lý do sau:

1. Đây là phần đất do chính ông bà P và L trực tiếp thuê đất từ chủ đất bà D từ những năm 1960 và tự bỏ tiền xây dựng nhà ở và vào thời điểm 1975, chủ đất mất tích, nên ông bà P và L đương nhiên chiếm hữu luôn phần đất thuê này (vì không còn ai đòi tiền thuê đất nữa).

2. Theo lời tự khai của bị đơn Q với tòa vào ngày 06/5/2008, tại bút lục hồ sơ vụ kiện, đã chứng minh rõ ràng trước khi qua đời, cha mẹ các đương sự, chưa hề tặng cho bất cứ đứa con nào về tài sản (kể cả nhà và quyền sử dụng đất) cả, chỉ có việc duy nhất là chuyển bớt quyền thuê đất cho các nguyên đơn mà thôi và riêng bị đơn cũng chỉ ở nhờ chung với cha mẹ ruột để trực tiếp phục vụ cha mẹ (có thể do lòng hiếu thảo), mà cũng chưa được cha mẹ tặng cho hoặc di chúc lại bất cứ tài sản nào. Vì lúc bấy giờ, Q là quân nhân trong quân đội Sài Gòn, còn độc thân, lòng hiếu thảo của bị đơn Q thật đáng được hoan nghênh.

3. Các việc xác nhận qua lại giữa các nguyên đơn và bị đơn trước đây tại các cuộc họp tổ dân phố tại phường, kể cả các nhân chứng, chỉ là thủ thuật đối phó để được hợp thức hóa nhà cửa vì quyền lợi chung của anh chị em trong nhà mà thôi, hoàn toàn không có giá trị pháp lý. Và khi phát hiện tham vọng của bị đơn Q muốn biến căn nhà và quyền sử dụng đất số 9 của cha mẹ để lại chung cho anh chị em thành tài sản riêng của mình thì ông B và bà T đã làm đơn ngăn chặn kịp thời ngay, nên tham vọng của bị đơn Q không thành công.

4. Chính bị đơn Q do sơ sót tên của người anh ruột là B trong việc ông tự làm hồ sơ đăng ký nhà đất đối với căn nhà tranh chấp 9 nên đã phải làm tờ cam kết vào ngày 19/9/2003 tại Ban Tư Pháp phường X quận Y với nội dung nguyên văn như sau: “Tôi đồng ý bổ sung tên ông B vào tờ khai đăng ký khai trình “giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và có tên trong tờ khai lệ phí trước bạ. Lý do: tôi mướn dịch vụ làm hồ sơ đăng ký giấy chủ quyền sở hữu nhà ở, có sự sơ sót tên ông B. Theo yêu cầu ông B, tôi sẽ bổ sung vào tờ khai trước bạ và sao y bản chánh tờ giấy chứng nhận cho ông B”. Như vậy, rõ ràng việc đăng ký quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất căn nhà 9 (đang tranh chấp) do chính bị đơn Q đạo diễn cả, nên việc ông Q đỗ thừa sơ sót cho người làm dịch vụ và cho cơ quan quản lý nhà đất thời bấy giờ là hoàn toàn không đúng đắn.

Và thực tế là người làm dịch vụ do bị đơn Q thuê và trực tiếp chi trả thù lao, việc cung cấp các họ tên người đồng thừa kế cũng chính do bị đơn Q kê khai qua người dịch vụ chấp bút mà thôi, gồm cả Q, H, T, B là hoàn toàn tự nguyện và có ý thức rõ ràng, chủ động, nên việc bị đơn ghi trong “đơn yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn” ngày 24/10/2007 nội dung là: “Không biết vì lý do gì, ngày 6/5/2002 UBND TP.Z cấp cho tôi quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 15181/2002 với nội dung: “chủ sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở: ông P (chết năm 1988) bà L (chết năm 1984) do con là Q đại diện đứng tên khai trình.” Đã thể hiện bị đơn Q đã tự mâu thuẫn với chính mình, do thiếu trung thực và thiếu nghiêm túc trước pháp luật.

5. Và lý do cuối cùng, có cơ sở pháp lý vững chắc nhất, trên giấy trắng mực đen “giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở” căn nhà số 9 theo số hồ sơ gốc số 15181/2002 ngày 6/5/2002 do UBND TP.Z cấp đã ghi rõ ở mục I “Chủ sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở” xác định rõ là ông P và bà L (đã chết), do con là ông Q, sinh năm 1946 là đại diện đứng đơn khai trình.

Giấy chứng nhận này cũng ghi rõ thửa đất số 1132, tờ bản đồ số 8, dịên tích 128.4m2, diện tích nhà sử dụng là 156.7m2, tường gạch, sàn gỗ, mái tôn, 1 tầng lững. Cho nên việc bị đơn Q đề nghị trong đơn yêu cầu phản tố nội dung “chỉ chia phần đất thừa kế 36m2 , còn lại 92.40m2 là do bị đơn khai phá lấn chiếm” là không có cả cơ sở thực tế và pháp lý. Vì căn nhà và quyền sử dụng đất ở số 9 vẫn giữ nguyên trạng từ trước đến nay là một mặt giáp với hẻm cố định, một mặt giáp với nghĩa địa Ấn Độ (nay là đường Thống Nhất), hai mặt còn lại giáp sát nách hai căn nhà hàng xóm láng giềng, không hề có chỗ trống bỏ hoang để lấn chiếm, kể cả nghĩa trang Ấn Độ do nhà nước giải tỏa đền bù sau này để làm đường Thống Nhất không dễ gì lấn chiếm được, như cách trình bày của bị đơn Q. Bị đơn Q chỉ sửa chữa, tu bổ và mở mặt tiền ra hướng Trường Sơn để tiện cho thuê kinh doanh mà thôi. Tiền cho thuê này đã bảy năm nay các thân chủ tôi đã tỏ thái độ thông cảm là để cho bị đơn Q hoàn toàn thụ hưởng để bù đắp sự hiếu thảo, có công chăm sóc cha mẹ trước đây và chi phí sửa chữa, tu bổ nhà là hoàn toàn hợp tình, hợp lý rồi.

Tóm lại, trên cơ sở các luận cứ đã trình bày trên, với tư cách luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nguyên đơn H và T, tôi trân trọng kính đề nghị hội đồng xét xử căn cứ điều 674, điều 675 khoản 1 điểm a, điều 676 khỏan 1 điểm a và khoản 2 về thừa kế theo pháp luật và điều 677 về thừa kế thế vị, điều 678 của bộ luật dân sự nước CHXHCNVN năm 2005 để xem xét quyết định:

1. Bác đơn yêu cầu phản tố của bị đơn Q.

2. Công nhận căn nhà và quyền sử dụng đất số 916B/11 thuộc sở hữu của ông bà P và L (đã qua đời) với diện tích sử dụng đất 128.4m2 theo giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở do UBND TP.Z cấp ngày 6/5/2002, mà bị đơn Q chỉ là người đại diện đứng đơn khai trình và đây chính là tài sản đồng thừa kế chung cho các nguyên đơn, bị đơn trong vụ tranh chấp và các anh chị em ruột khác của các đương sự theo pháp luật ( vì ông bà P và L không để lại di chúc). Mặc dù thời hiệu khởi kiện về thừa kế đã quá hạn, vì ông P mất năm 1988, mà các nguyên đơn mới khởi kiện vào ngày 7/2/2007. Nhưng theo tôi, có thể vận dụng hợp pháp đây là vụ kiện tranh chấp tài sản chung sau thừa kế theo pháp luật, trên cơ sở giấy CN/QSDĐỞ và QSHNỞ do UBND. TP.Z đã cấp ngày 6/5/2002 có tên đầy đủ các đồng thừa kế (cả các nguyên đơn và bị đơn). Vì vậy, toàn bộ quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở căn nhà số 916B/11 phải được chia đều cho các đồng thừa kế theo quy định pháp luật (chỉ ngoại trừ quyền thụ hưởng hoa lợi cho thuê kinh doanh căn nhà từ trước đến nay dành riêng cho bị đơn Q, theo thoả thuận tự nguyện của các nguyên đơn), căn cứ theo giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở do bị đơn Q đại diện cho các đồng thừa kế đứng tên khai trình ngày 6/5/2002 (vì đây là tài sản chung đã được xác định, không bị ảnh hưởng bởi thời hiệu khiếu kiện thừa kế. (theo điều 645 của BLDS 2005).

nguồn luatsubaochua

» Luật sư tranh tụng đất đai