Khái niệm tranh tụng là gì? có thể nhận xét tranh tụng trên các bình diện dưới đây:
Về mặt lập pháp: khái niệm tranh tụng chưa được chính thức ghi nhận hoặc giải thích trong các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta được ban hành từ năm 1945 đến nay.
Về mặt ngôn ngữ: theo Đại từ điển tiếng Việt năm 1998 thì tranh tụng có nghĩa là “kiện tụng”; còn theo Hán-Việt tự điển thì tranh tụng có nghĩa là “cãi lẽ, cãi nhau để tranh lấy phải”.
Theo cách giải thích này, thì tranh tụng chính là quá trình giải quyết vụ kiện dân sự theo đó các đương sự được tranh luận về các yêu cầu, các chứng cứ và chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Đặc thù của tố tụng dân sự là các chủ thể tham gia tố tụng và chủ thể tiến hành tố tụng cùng nhau xác định sự thật khách quan trên cơ sở xem xét đánh giá khách quan, toàn diện và đầy đủ các chứng cứ, tài liệu, các tình tiết khác nhau của vụ án và đối chiếu với các quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Để có thể tìm ra chân lý, xác định sự thật khách quan về vụ án thì các chủ thể tham gia vào quá trình tố tụng dân sự phải phát huy tính chủ động, tích cực trong việc cung cấp, thu thập, nghiên cứu và đánh giá các chứng cứ, tài liệu, các tình tiết liên quan một cách chính xác, khách quan và đầy đủ; đưa ra các lý lẽ, các quan điểm khác nhau, viện dẫn các quy định của pháp luật để giải quyết vụ án. Tất cả các hoạt động như cung.
cấp chứng cứ, đưa ra các yêu cầu và phản yêu cầu, đối chất giữa các bên…trong giai đoạn trước khi xét xử cũng như tại phiên tòa đều có thể hiểu là quá trình tranh tụng. Như vậy, tranh tụng được hiểu theo hai nghĩa: nghĩa rộng và nghĩa hẹp.
Theo nghĩa rộng: tranh tụng là một quá trình được bắt đầu từ khi các đương sự thực hiện quyền khởi kiện và kết thúc khi bản án, quyết định của Tòa án. Như vậy, hiểu theo nghĩa rộng thì quá trình tranh tụng này sẽ bao gồm toàn bộ các giai đoạn khởi kiện, thụ lý vụ án, chuẩn bị xét xử, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và cả giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm.
Theo nghĩa hẹp:tranh tụng là sự đối đáp, đấu tranh giữa các bên đương sự với nhau về chứng cứ, yêu cầu và phản đối yêu cầu của mỗi bên để từ đó nhằm chứng minh cho đối phương và Tòa án rằng yêu cầu và phản đối yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.