Công ty chúng tôi có nhập khẩu dòng mỹ phẩm của Nhật vào Việt Nam phân phối.
Vì vậy chúng tôi cần hỏi luật sư một số vấn đề về tem nhãn như sau:
- Trên tem nhãn cần ghi những nội dung gì?
- Sản phẩm bên em của Nhật nên tất cả nội dung trên hộp đều bằng tiếng Nhật. Bên em muốn ghi tem nhãn tất cả bằng tiếng anh để dán lên được không?
- Phần thành phần sản phẩm có bắt buộc phải ghi tất cả thành phần ra không hay chỉ cần ghi những thành phần chính thôi (trên hộp sản phẩm có ghi tất cả các thành phần bằng tiếng Nhật)?
- Sản phẩm bên em có hộp đựng, trên hộp có ghi các thông tin cơ bản như: tên sản phẩm, hiệu quả, cách dùng, thành phần, … bên trong có thêm 1 tờ giấy giới thiệu về sản phẩm, cách dùng, các lưu ý về sử dụng an toàn.
Vậy ghi làm nhãn phụ, bên em có cần dán nhãn ở cả hộp lẫn lọ ở trong không? Có cần làm thêm 1 tờ giấy hướng dẫn nhét kèm sp không?
- Trong thành phần mỹ phẩm bên em nhập có một số chất không được dùng ở VN, và một số chất chỉ được dùng với liệu lượng nhất định
Luật sư có thể chỉ cho em biết tài liệu nào quy định về thành phần sản phẩm như trên không? Em muốn xác thực thông tin trên
Trong trường hợp những chất trên bị cấm, có nên ghi những thành phần đó lên nhãn phụ không?
Luật sư trả lời:
1. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 11 và Khoản 11, Điều 12, Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2006, thì tem nhãn ghi trên hàng hóa là mỹ phẩm nhập khẩu cần phải thể hiện được rõ các nội dung bắt buộc như sau:
– Tên hàng hóa;
– Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
– Xuất xứ hàng hóa;
– Định lượng,
– Ngày sản xuất;
– Hạn sử dụng;
– Thành phần;
– Thông tin cảnh báo vệ sinh, an toàn, sức khỏe;
– Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.
- Nội dung nhãn hàng hóa phải được ghi bằng tiếng Việt (Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP).
- Thành phần của sản phẩm em phải ghi đủ (Khoản 1, Điều 18, Nghị định số 89/2006/NĐ-CP)
- Trong trường hợp, nhãn hàng hóa không thể ghi hết nội dung bắt buộc nêu tại mục (1), thì phải có các nội dung như tên hàng hóa, tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, xuất xứ hàng hóa. Các nội dung còn lại sẽ được ghi trong tài liệu đính kèm với hàng hóa đó (Khoản 3, Điêu 9 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP). Do vậy, ngoài nhãn sản phẩm ra, bên em nên có thêm tài liệu hướng dẫn phụ để hướng dẫn sử dụng.
Vị trí của nhãn hàng hóa phải được dán ở cả bao bì thương phẩm của hàng hóa và sản phẩm đó (Khoản 1, Điều 6, Nghị định số 89/2006/NĐ-CP). Nếu không thể mở được bao bì bên ngoài thì trên bao bì bên ngoài, nhãn phải thể hiện được hết các nội dung bắt buộc.
- Về chất không được sử dụng tại Việt Nam, theo quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25 tháng 01 năm 2011 về quản lý mỹ phẩm, thì các hóa chất cấm hoặc chỉ được sử dụng với liều lượng nhất định, em sẽ phải tìm trong bản cập nhật mới nhất Phụ lục II đến Phụ lục VII của Hiệp định về hòa hợp mỹ phẩm của Asean. Nếu có những thành phần bị cấm sử dụng hoặc vượt quá ngưỡng thì bên em không nên nhập khẩu vào Việt Nam vì sau đó nếu bị phát hiện sản phẩm sẽ bị thu hồi.
Trong hồ sơ đăng ký mỹ phẩm của bên em, bên em phải cam kết trong sản phẩm của mình không có các thành phần hóa chất bị cấm hoặc thành phần hóa chất vượt quá ngưỡng cho phép theo quy định tại Hiệp định về mỹ phẩm của ASEAN.